Kinh tế vĩ mô

Tránh "lún sâu vào bẫy gia công, lắp ráp" trong thu hút FDI

Để tận dụng triệt để cơ hội, việc tăng cường nhận thức, tuyên truyền và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu tác động của EVFTA đối với FDI là vô cùng quan trọng.

Tại buổi toạ đàm "FDI của EU vào Việt Nam trong bối cảnh thực thi EVFTA và EVIPA” của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) diễn ra ngày 25/10, VEPR cho biết tổng số dự án FDI đăng ký mới, tổng giá giá trị FDI đăng ký và FDI thực hiện có xu hướng tăng đều qua các thời kỳ với những biến động nhỏ trong ngắn hạn. Từ đầu năm 2020 đến nay, sự biến động lớn trong nền kinh tế thế giới do sự lây lan của đại dịch Covid-19 làm lượng FDI đăng ký vào Việt Nam giảm đáng kể.

Tuy nhiên, điểm tích cực trong bức tranh FDI tại Việt Nam là lượng vốn thực hiện có xu hướng tăng lên. Phân tích theo ngành, FDI vào Việt Nam chủ yếu tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo (khai thác nguồn lao động giá rẻ), và ngành bất động sản (khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên).

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến tháng 8/2022, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam; tiếp theo là Singapore, Nhật Bản. Bên cạnh các quốc gia châu Á, các doanh nghiệp đến từ nước phương Tây cũng dần dịch chuyển đầu tư của họ tới Việt Nam. Các quốc gia cần kể tới bao gồm Hà Lan, Hoa Kỳ, Anh, Úc, Pháp, Canada, Đức, Thuỵ Sỹ,…

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) được đàm phán giữa bối cảnh quan hệ song phương Việt Nam - EU ngày càng phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế - thương mại - đầu tư. EVFTA và EVIPA được kỳ vọng trở thành cú huých đối với cả thương mại và đầu tư của Việt Nam, qua đó mở rộng cơ hội giúp Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất tại khu vực.

Điểm số thành phần của chỉ số Tự do Kinh tế ở Việt Nam (2019-2022) (Nguồn: The Heritage Foundation và The Wall Street Journal (2022).

Về cơ hội EVFTA, EVIPA đối với FDI của EU vào Việt Nam trong bối cảnh mới, VEPR cho rằng, những cam kết thương mại trong hiệp định sẽ mang lại cho Việt Nam cơ hội tăng quy mô FDI do những cam kết về cắt giảm thuế quan. Đồng thời, qua hiệp định, doanh nghiệp EU có thể tiếp cận thị trường Việt Nam, cũng như thị trường ASEAN và tăng quy mô FDI vào Việt Nam.

Ngoài ra, việc sớm ký FTA với EU sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam trong việc thu hút FDI. Việc thực hiện EVFTA, EVIPA cùng với những cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư sẽ tạo môi trường thuận lợi để Việt Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư trong một số lĩnh vực mà EU có thế mạnh. Quan trọng hơn, VEPR nhấn mạnh, việc thực thi EVFTA, EVIPA sẽ là động lực và yêu cầu để Việt Nam cải cách thể chế và khung pháp lý, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện đầu tư thuận lợi và an toàn hơn cho các nhà đầu tư.

Những nhân tố kìm hãm năng lực cạnh tranh 4.0 của Việt Nam (Nguồn: WEF (2019).

Bên cạnh những thuận lợi mang lại, nhóm nghiên cứu của VEPR gồm TS. Nguyễn Thị Thanh Mai và TS. Nguyễn Thị Vũ Hà cũng đề cập đến những thách thức đối với hoạt động thu hút vốn FDI từ EU vào Việt Nam.

EVFTA, EVIPA chỉ là một trong những điều kiện để thu hút nhà đầu tư EU và Việt Nam, rủi ro từ bối cảnh mới có thể làm suy yếu tâm lý kinh doanh của các nhà đầu tư toàn cầu nói chung và các nhà đầu tư từ EU.

Các chuyên gia cho rằng, FTAs thế hệ mới đòi hỏi việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, bởi Việt Nam còn nhiều hạn chế và chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư EU. Thêm vào đó, do những hạn chế trong yếu tố nguồn lực, Việt Nam có nguy cơ trở thành điểm đến của các dự án FDI chất lượng thấp.

"Nước ta có thể bị lún sâu vào bẫy gia công, lắp ráp và vị thế bất lợi trong chuỗi cung ứng toàn cầu do trình độ công nghệ còn thấp, chất lượng lao động chưa cao. Đồng thời, do quy định môi trường chưa chặt chẽ, năng lực quản lý và giám sát ảnh hưởng môi trường của dự án", nhóm chuyên gia của VEPR cho biết.

Do đó, để tận dụng triệt để cơ hội EVFTA mang lại, việc tăng cường nhận thức, tuyên truyền và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu tác động của EVFTA đối với FDI là vô cùng quan trọng. Điều này giúp Nhà nước, doanh nghiệp và người dân có hiểu biết cặn kẽ về các tác động của EVFTA, từ đó có sự chuẩn bị kỹ càng về chính sách, chiến lược, điều chỉnh hoạt động,…, VEPR nhấn mạnh.

Đồng thời đặt ra các giải pháp cải cách như: bảo đảm quyền tài sản; cải cách về điều kiện kinh doanh, sửa đổi các quy định về đầu tư, đất đai, xây dựng, tài nguyên và môi trường; và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi các quy định, chính sách.

Trong đó, chú trọng cải thiện môi trường kinh doanh và cải cách thị trường tài chính để thu hút nhanh chóng và sử dụng có hiệu quả cả vốn trong nước và vốn nước ngoài.

Chính phủ cần phải hoàn thiện hơn các loại hình dịch vụ tư vấn và tạo thuận lợi đầu tư để làm cho quá trình kinh doanh của doanh nghiệp tại Việt Nam dễ dàng hơn với chi phí thấp hơn.

Cuối cùng, nghiên cứu của VEPR cũng lưu ý, việc đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng là rất cấp thiết tại thời điểm hiện tại để sẵn sàng thu hút các doanh nghiệp EU đầu tư vào Việt Nam.