Dân sinh

Tranh luận về quy định giờ làm của công nhân viên chức

Nhiều chuyên gia và cơ quan quản lý cho rằng nên để địa phương tự quyết về thời gian làm việc.

Sau khi bộ LĐ-TB&XH đưa ra hai phương án quy định về thời gian làm việc của công chức, viên chức, người lao động (CCVC-NLĐ) trong các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị - xã hội đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau.

Nhiều chuyên gia và cơ quan quản lý cho rằng nên để địa phương tự quyết về thời gian làm việc.

Phương án 1 quy định: Giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước.

Thời gian làm việc dự kiến là từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút (trừ những đơn vị hoặc bộ phận phải thường trực 24/24 giờ để đảm bảo liên thông công việc hoặc trực tiếp giải quyết công việc với người dân).

Phương án 2 quy định, dự thảo đề xuất giữ nguyên như hiện hành, thời gian làm việc không được quy định trong Bộ Luật lao động mà được quy định tại các văn bản hành chính (đối với các bộ do Thủ tướng quyết định, đối với UBND và các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định).

Đăng ký thông tin tại sàn giao dịch việc làm Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Về vấn đề này, theo Thứ trưởng bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, đề xuất các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị làm việc thống nhất theo giờ quy định vì có ý kiến nêu cần kết nối liên thông giờ làm việc để mọi chỉ đạo từ Trung ương xuống địa phương hoặc từ địa phương lên Trung ương được đảm bảo về mặt giờ giấc.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng, giờ làm việc còn phải căn cứ vào điều kiện thời tiết, khí hậu. 

Ở góc độ cá nhân, ông Doãn Mậu Diệp cho rằng, hiện nay nhiều quốc gia khác họ cũng quy định thời gian làm việc linh hoạt, miễn sao hiệu quả. Chính vì thế chúng ta cũng không nhất thiết phải thống nhất giờ làm việc cụ thể.

Nhưng vì trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Lao động đã có những ý kiến nên bộ LĐ-TB&XH mới đưa ra 2 phương án để lắng nghe ý kiến từ nhiều phía, sau đó Quốc hội bàn thảo và quyết định.

Cũng trao đổi về đề xuất này, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng không cần thiết phải thống nhất giờ làm việc chung trong các cơ quan hành chính Nhà nước vì không hợp với thực tiễn nên khó khả thi. Việc này nên giao quyền tự chủ cho các địa phương để các địa phương có quyết định phù hợp.

Đề xuất hai phương án quy định giờ làm việc của công chức, viên chức.

Còn bà Nguyễn Thị Lan Hương, chuyên gia về lao động cho rằng: "Việc quy định cứng về thời gian bắt đầu làm việc sẽ tạo sức ép rất lớn về giao thông; hoặc các địa phương thường làm việc từ 7h30, nếu 8h30 mới bắt đầu thì quá muộn".

Theo bà Lan Hương, trong thời buổi kinh tế thị trường, kinh tế chia sẻ, con người có rất nhiều cách thức làm việc. Vì vậy, tư duy quản lý tập trung càng không hiệu quả.

Hiện, nhiều quốc gia cho phép người lao động tự chọn giờ làm việc linh hoạt, miễn sao làm đủ 8 tiếng và đạt hiệu quả công việc. Quy định này không cần thiết đưa vào luật. Việc quy định giờ làm việc nên giao cho UBND các tỉnh xem xét.

Nguyên Thứ trưởng bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết: Đề xuất thống nhất giờ làm việc từ Trung ương tới địa phương đã từng được đưa ra từ hơn chục năm trước khi xây dựng Luật lao động, song nhiều địa phương không đồng thuận, vì thời tiết khác nhau.

Minh Anh (tổng hợp)