Tiêu điểm

Tránh gây hiểu lầm Luật Dầu khí dành riêng cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

Dự thảo Luật Dầu khí dành một chương đề cập đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của PVN và có tới 86 cụm từ Tập đoàn dầu khí Việt Nam xuất hiện.

Dễ dẫn đến sự hiểu lầm

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 3, sáng 15/6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).

Phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn Tp. Hồ Chí Minh) nêu những con số ấn tượng về ngành dầu khí hiện nay như: Việt Nam còn 51 hợp đồng đang tiếp tục khai thác, ngành dầu khí Việt Nam đã khai thác trên 420 triệu tấn dầu và trên 160 tỷ m3 khí.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - doanh nghiệp nòng cốt của ngành dầu khí đã có những đóng góp quan trọng cho tổng thu ngân sách Nhà nước và tổng sản phẩm quốc nội; giai đoạn 2006-2015 đóng góp khoảng 20- 25% tổng thu ngân sách và GDP.

Hiện nay, Việt Nam đang đứng thứ 33 trên 98 quốc gia có sản lượng dầu khai thác trong năm 2021. Theo đại biểu, đây là một thành tựu rất đáng khích lệ, nhưng hiện nay hầu hết các mỏ dầu khí chủ đạo đều đang khai thác với mức độ suy giảm sâu về sản lượng.

Các mỏ mới dự kiến đưa vào phần lớn các mỏ có cấu tạo phức tạp, trữ lượng nhỏ, công tác khai thác gặp nhiều khó khăn và thách thức nguồn tài nguyên dầu khí tại chỗ.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân đề nghị tách bạch chức năng quản lý Nhà nước và chức năng kinh doanh của PVN.

Trong khi đó, các thể chế, chính sách hiện hành chưa có cơ chế khuyến khích phù hợp cho hoạt động đầu tư để phát triển các mỏ nhỏ và cận biên, khuyến khích thu hút thêm nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Góp ý chi tiết nội dung dự thảo Luật dầu khí, đại biểu Ngân cho biết, dự thảo gồm 64 Điều, 11 chương. Mặc dù, Ban soạn thảo cũng có nghiên cứu, tham khảo các luật của Malaysia, Indonesia…

Tuy nhiên, còn một số tồn tại, đó là khó khăn trong xây dựng luật là làm sao để tách bạch được chức năng quản lý Nhà nước và chức năng kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN);

Làm sao khuyến khích được xã hội hóa, thu hút được nhà đầu tư nước ngoài, thu hút được tư nhân nhưng vẫn đảm bảo được vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo được an ninh, quốc phòng.

Trong dự thảo luật, việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền giữa Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương và Tập đoàn dầu khí Việt Nam cũng chưa rõ ràng.

Trong Chương 1 tại Điều 3 về giải thích từ ngữ, đại biểu đề nghị giải thích thêm các cụm từ hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí, hợp đồng tặng thu tài nguyên dầu khí…

Đại biểu bày tỏ băn khoăn, trong dự thảo luật dành một chương đề cập đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và có tới 86 cụm từ Tập đoàn dầu khí Việt Nam xuất hiện trong dự thảo luật.

Theo đại biểu, quy định như vậy dễ dẫn đến sự hiểu lầm là luật này dành cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị thêm một chương về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về dầu khí, bởi dầu khí là tài nguyên quốc gia có ý nghĩa quan trọng đến việc đảm bảo an ninh năng lượng và góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Bổ sung quy định giải quyết xung đột pháp luật

Cùng thảo luận tại hội trường, đại biểu Tống Văn Băng (đoàn Hải Phòng) nhất trí với các mục tiêu đặc thù như trong Tờ trình của Chính phủ, bên cạnh việc tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành dầu khí, sự đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước của ngành dầu khí, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Mục tiêu quan trọng hơn là góp phần bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông.

Đại biểu Tống Văn Băng đề nghị cần nghiên cứu việc xác định địa vị pháp lý cụ thể của PVN.

Đại biểu nhận thấy, điều này cũng lý giải khi trong luật có những quy định khác biệt hơn so với các nguồn tài nguyên khác như năng lượng, tài nguyên nước, năng lượng mặt trời, gió…

Để đảm bảo các yếu tố liên quan đến bảo vệ chủ quyền thông qua các hoạt động điều tra, thăm dò, nghiên cứu, khai thác biển liên quan đến biên giới quốc gia trên biển, liên quan đến vùng trời, trên các công trình đó, đại biểu đề nghị bổ sung vào văn bản vi phạm pháp luật liên quan đến Luật Dầu khí lần này là Luật Biên giới quốc gia năm 2003 mà trong Báo cáo số 80 của Bộ Công thương và Ban soạn thảo chưa đề cập đến danh sách 21 Luật liên quan này.

Đại biểu đoàn Hải Phòng cũng đề nghị cần nghiên cứu việc xác định địa vị pháp lý cụ thể của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đồng thời cần xác định cụ thể hơn theo Luật Doanh nghiệp năm 2020.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, hiện chưa thấy nêu trong dự thảo Luật vấn đề tranh chấp hoặc có nguy cơ tranh chấp về dân sự, kinh tế có yếu tố nước ngoài.

Trong thực tế đối với lĩnh vực dầu khí, giao dịch để xảy ra xung đột pháp luật liên quan đến tranh chấp dân sự, kinh tế, thương mại hóa lao động có yếu tố nước ngoài là có khả năng xảy ra.

Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét bổ sung thêm quy định về giải quyết xung đột pháp luật trong Luật Dầu khí.