Kinh tế vĩ mô

“Tránh để dòng tiền chảy vào kênh đầu cơ như bất động sản”

Theo đại diện MBS, mức cấp bù lãi suất không nên quá cao và dòng tiền cần được kiểm soát để tránh chảy vào các kênh đầu cơ tài sản như bất động sản, chứng khoán.

Tiếp tục giảm chi phí, thủ tục cho doanh nghiệp

Chia sẻ tại phiên Hội thảo “Đổi mới sáng tạo: Kết nối chính sách với doanh nghiệp Việt Nam”, ông Ngô Long Giang - Giám đốc Khối khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán MB (MBS) đã kiến nghị nhiều ý kiến liên quan tới chính sách tiền tệ, tài khoá.

Trong kiến nghị đầu tiên, ông Giang đề xuất Chính phủ nên tiếp tục rà soát các vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, kịp thời đề xuất phương án tháo gỡ. Bên cạnh đó, cần cắt bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết nhằm giảm chi phí, thủ tục cho doanh nghiệp, khơi thông mọi nguồn lực cho đầu tư, kinh doanh.

Các địa phương cần áp dụng thống nhất các quy định phòng chống dịch Covid-19, chuyển hẳn sang trạng thái  bình thường mới và cam kết không áp dụng lại các biện pháp giãn cách xã hội gây gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp.

Hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng phương án tái sản xuất kinh doanh, có chính sách hỗ trợ đầu ra, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, khẩn trương triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về miễn, giảm phí, lệ phí, thuế…

Ông Ngô Long Giang - Giám đốc Khối khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán MB đưa ra nhiều kiến nghị về chính sách tiền tệ, tài khoá.

“Chúng tôi kiến nghị cần hỗ trợ cấp bách cho người lao động, đơn giản hóa thủ tục nhận tiền chính sách, có chính sách linh hoạt và dễ tiếp cận hơn đối với các đối tượng dễ bị tổn thương, hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho các đối tượng lao động mất việc hoặc giảm thu nhập do dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tiêm chủng và xét nghiệm miễn phí cho người lao động, hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất”, ông Giang kiến nghị.

Ông Giang cũng đánh giá việc đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP cũng như tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu là giải pháp quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hậu Covid-19.

Kiểm soát chặt chẽ dòng tiền

Kiến nghị về chính sách tài khóa, ông Giang cho rằng các Bộ ngành cần tiếp tục chủ động, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các giải pháp như cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn, miễn giảm tiền thuế, phí, lệ phí. Gia hạn thời gian nộp tiền thuê đất, giảm tiền điện, giá điện đối với các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 và các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động để các chính sách hỗ trợ có khả năng lan tỏa cao.

Thời gian thực thi các chính sách nên kéo dài đến hết năm 2022. Ông cho rằng, cũng cần nghiên cứu chính sách cấp bù lãi suất cho vay từ nguồn ngân sách nhà nước đối với các doanh nghiệp chịu tác động nặng nề từ dịch Covid-19, bao gồm các nhóm ngành hàng không, du lịch và giáo dục.

“Tuy nhiên, phải xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo nguồn hỗ trợ đúng đối tượng và tránh trục lợi chính sách tạo hệ luỵ xấu. Mức cấp bù lãi suất cũng không nên quá cao, nên dao động ở mức 2-3% và dòng tiền cần được kiểm soát để tránh chảy vào các kênh đầu cơ tài sản như bất động sản, chứng khoán”, vị đại diện MBS nhấn mạnh.

Trong phần trình bày của mình, ông Giang cũng cho rằng, cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2022 và 2023, phấn đấu tỉ lệ giải ngân đạt trên mức 90% kế hoạch.

“Nên tập trung nguồn lực vào các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm tại các đầu tàu kinh tế lớn của cả nước bao gồm Hà Nội, Tp.HCM và Đà Nẵng để tạo động lực lan tỏa mạnh trong nền kinh tế. Tuy nhiên, cần tránh tối đa sự dàn trải và các dự án dở dang, gây lãng phí nguồn lực và gánh nặng cho ngân sách trong các năm tiếp theo”, ông nhìn nhận.

Đại diện MBS cho rằng, cần kiểm soát dòng tiền để tránh chảy vào các kênh đầu cơ như bất động sản (Ảnh: Hữu Thắng).

Về chính sách tiền tệ, vị này kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nên duy trì chính sách tiền tệ ổn định về mặt bằng lãi suất điều hành trong thời gian tới. Điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý ở mức 12-13%/năm và giữ ổn định tỉ giá VND/USD theo hướng để VND giảm nhẹ trong các năm 2022 và 2023.

Về lĩnh vực thị trường chứng khoán, đại diện MBS đề xuất Ủy ban chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính nên tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực thi các quy định về công bố thông tin của công ty đại chúng và tổ chức niêm yết nhằm tăng cường tính minh bạch của thị trường, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của nhà đầu tư.

“Các cơ quan quản lý nhà nước nên tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử phạt các vi phạm như chậm công bố thông tin theo quy định, thao túng giá chứng khoán, sử dụng thông tin nội gián…”, ông nói.

Cũng theo đại diện MBS, các cơ quan quản lý Nhà nước nên tập trung triển khai các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ hạng thị trường cận biên lên hạng thị trường mới nổi trên bảng xếp hạng của MSCI và FTSE.

Ngoài ra, các nút thắt chính sách giới đầu tư mong đợi cần được tháo gỡ như độ mở của thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế, hay các hạn chế trong công bố thông tin bằng tiếng Anh, thiếu thị trường giao dịch ngoại hối tại nước ngoài gây khó khăn trong việc chuyển đổi từ tiền VND sang ngoại tệ khác.

Cần thúc đẩy nhanh công tác cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại các công ty, để tạo thêm nguồn cổ phiếu chất lượng cho thị trường chứng khoán.

"Chúng tôi kiến nghị sớm ban hành cơ chế, chính sách để giải quyết các bất cập về cơ chế, chính sách cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, bao gồm việc xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước khi tiến hành cổ phần hóa, xác định giá trị thương hiệu, giá trị lợi thế kinh doanh và đặc biệt là quyền sử dụng đất”, ông Giang kiến nghị.