Gia đình

Tranh cãi việc vợ không thể ly hôn dù bị chồng đánh đập suốt 40 năm

Vụ ly hôn bất thành của bà Li đang thu hút sự chú ý của dư luận Trung Quốc. Đa số đều cho rằng phán quyết của tòa án là không thể chấp nhận.

Theo Global Times, người phụ nữ họ Li đến từ tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc đã bị tòa bác đơn ly hôn dù bị chồng đánh đập, chửi mắng trong suốt 40 năm chung sống. Thẩm phán cho rằng bà Li nên “trân trọng những năm tháng tuổi xế chiều của hai vợ chồng" và gia đình bà vẫn có thể hàn gắn nếu các thành viên biết tha thứ, giao tiếp và thấu hiểu nhau hơn.

Bà Li bị bác đơn ly hôn dù bị chồng đánh đập nhiều năm. (Ảnh minh họa)

Theo nội dung bản án được công khai trên mạng, vợ chồng bà Li kết hôn vào năm 1980. Dù thấy chồng là người vũ phu, thường xuyên đánh mắng mình nhưng bà Li vẫn cố gắng nhẫn nhịn suốt nhiều năm vì 3 đứa con.

Khi các con đã trưởng thành và thấy cuộc hôn nhân không thể cứu vãn, bà Li đã nộp đơn ra tòa đòi ly hôn. Người chồng họ Yang không chấp nhận, thậm chí cho rằng dù có lỗi nhưng chuyện vợ chồng già “đùa nhau” là bình thường. Ông nhấn mạnh chưa bao giờ lừa dối vợ và mong nhận được cơ hội sửa sai.

Phía tòa án quận từ chối yêu cầu ly hôn của người phụ nữ và cho rằng cặp đôi nên biết trân trọng hạnh phúc trong những năm tháng tuổi già: "Nếu họ có thể hiểu và trân trọng nhau, giao tiếp nhiều hơn, giải quyết những mâu thuẫn hiện tại, họ vẫn có thể là một gia đình hòa thuận, hạnh phúc."

Vụ ly hôn nhanh chóng gây ra một cuộc tranh cãi lớn trên mạng xã hội. Hầu hết ý kiến đều cho rằng phán quyết trên là không thể chấp nhận và cho rằng bà Li có quyền ly hôn sau những gì phải chịu đựng.

Sự việc của bà Li cùng với chính sách "ly hôn tạm thời" có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 có thể khiến các cô gái thận trọng hơn trong việc kết hôn. Chính sách này yêu cầu các cặp đôi phải đợi 1 tháng sau khi thỏa thuận mới được nhận giấy chứng nhận ly hôn. Khoảng thời gian này là để các cặp vợ chồng "hạ nhiệt mối quan hệ".

Nếu 1 trong 2 bên thay đổi ý định trong thời hạn 30 ngày hoặc không xuất hiện sau thời gian trên thì vụ ly hôn có thể bị hủy bỏ. Tuy nhiên giai đoạn hạ nhiệt chỉ áp dụng với những trường hợp ly hôn dân sự, trong khi các vụ ly hôn liên quan đến bạo lực gia đình thường được giải quyết thông qua các vụ kiện.

Nhiều người cho rằng mục đích của việc "nâng ngưỡng" ly hôn là để người trẻ suy nghĩ kỹ trước khi quyết định chính thức gắn bó với nhau. Số khác cho rằng quy định này là thừa thãi vì chẳng có lý do gì để níu kéo khi hai bên đã không còn tình cảm.

Minh Hoa (t/h)