Tiêu điểm thế giới

Tranh cãi việc vắc-xin lao từ thời Liên Xô có thể làm giảm khả năng nhiễm COVID-19

Các nhà khoa học Mỹ cho biết, các quốc gia không có chính sách phổ biến về tiêm chủng BCG (Italy, Hà Lan, Mỹ) đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn so với các quốc gia có chính sách tiêm BCG phổ biến và lâu dài, đồng thời các quốc gia cho tiêm vắc-xin BCG cũng có các trường hợp nhiễm COVID-19 ít hơn.

Giới khoa học Mỹ cho rằng vắc xin BCG có thể ảnh hưởng đến virus gây ra COVID-19.

Các nhà khoa học Mỹ đang có những quan điểm cho rằng vắc-xin lao từ thế kỷ trước có thể có tác dụng đến dịch bệnh COVID-19. Tờ RBTH của Nga đã đưa ra những nghiên cứu sâu hơn về ảnh hưởng thực sự của loại vắc xin này trong việc chống lại virus corona mới nhất.

Nguồn gốc quan niệm mới

Gần đây, một tờ báo và hãng tin lớn như - New York Times, Reuters, Bloomberg và Daily Mail đã nói về khả năng một mũi tiêm vắc xin lao rất bình thường được cung cấp cho hàng triệu học sinh trên thế giới có thể tăng gấp đôi khả năng khắc chế virus gây ra COVID-19 với các bằng chứng khoa học mới nhất. Vắc-xin được đề cập đến có tên là chủng ngừa trực khuẩn Calmette-Guérin hay còn gọi là BCG.

Ở Nga, mũi tiêm này được cung cấp cho cả trẻ em từ ba đến năm ngày tuổi. Điều này cũng đặt ra câu hỏi về việc phải chăng số người nhiễm COVID-19 ở mức thấp của Nga (khoảng gần 3000 trên tổng số 144,5 triệu dân) là có liên quan?

Những phát hiện mới về vắc xin BCG đến từ Khoa Khoa học Y sinh tại Đại học Y học Xương khớp của Viện Công nghệ New York. Báo cáo của nghiên cứu cho thấy mối tương quan trực tiếp giữa các số liệu về tỷ lệ tử vong được thể hiện ở các quốc gia có mũi tiêm BCG bắt buộc và những nơi mà việc tiêm chủng là không bắt buộc.

Các nhà khoa học cho biết, các quốc gia không có chính sách phổ biến về tiêm chủng BCG (Italy, Hà Lan, Mỹ) đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn so với các quốc gia có chính sách BCG phổ biến và lâu dài, đồng thời các quốc gia cho tiêm vắc-xin BCG cũng có các trường hợp nhiễm COVID-19 ít hơn.

Theo thống kê, số ca tử vong liên quan đến virus corona ở các quốc gia nơi BCG không bắt buộc vượt các quốc gia khác với con số đáng kinh ngạc là 30 lần.

Bằng chứng này được thể hiện rõ nét ở Tây Ban Nha với Bồ Đào Nha. Đây là nơi BCG không bắt buộc từ năm 1981. Ở Bồ Đào Nha, vắc-xin đã trở thành lựa chọn cá nhân kể từ năm 2017.

Vắc-xin BCG

BCG là mũi tiêm lao được chứng nhận duy nhất trên thế giới. Nó được cung cấp cho 130 triệu người trên toàn thế giới mỗi năm. Năm 2018, khoảng 153 quốc gia cung cấp vắc-xin này.

Ở các nước phát triển, BCG chỉ thường có sử dụng cho các nhóm trẻ em có nguy cơ cao hoặc ít được cung cấp sử dụng rộng rãi. Ví dụ như Mỹ và Hà Lan, hai quốc gia không thực hiện tiêm BCG rộng rãi.

Khoảng 10 triệu người trên toàn thế giới nhiễm lao hàng năm. Các quốc gia có nguy cơ cao như Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi và các quốc gia khác là nơi bắt buộc tiêm BCG, mặc dù nó cũng không cung cấp miễn dịch tổng thể - chỉ ở khoảng 60-80%.

Trong quá khứ, Liên Xô đã trở thành quốc gia đầu tiên mà vắc-xin lao trở thành bắt buộc đối với tất cả mọi người. Vắc xin này được hình thành lần đầu tiên ở Pháp vào năm 1919 bởi Albert Calmette và Camille Guérin.

Năm 1925, Calmette đã đưa vắc-xin cho các nhà khoa học Liên Xô để phát triển lại. Ba năm sau, nó đã được thông qua bởi Hội Quốc Liên.

Ngày nay, các nghiên cứu cho thấy BCG cũng có tỷ lệ hiệu quả 20% trong chống lại bệnh phong, cũng như ung thư bàng quang. Ngoài ra, cho đến năm 2015, nó được cho là có hiệu quả chống loét Buruli.

COVID-19 thì sao?

Vắc xin BCG được Liên Xô phát triển từ thế kỷ trước.

Vào tháng 3, các nhóm nghiên cứu ở Australia, Hà Lan, Đức và Hy Lạp đã tiếp tục xác định tính hiệu quả của vắc-xin BCG. Về cơ bản, hiệu quả của BCG chống lại virus corona vẫn còn đang tranh cãi.

Có một ví dụ đáng chú ý ở đây là Trung Quốc. Đây là một trong những quốc gia tiêm vắc-xin BCG phổ biến, tuy nhiên điều đó đã không ngăn được đất nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19.

Hơn nữa, không ai biết miễn dịch BCG sẽ tồn tại bao lâu. Các nghiên cứu chỉ ra khoảng thời gian 10 - 15 năm trước khi khả năng kháng virus trở nên suy yếu - và đây mới chỉ là nghiên cứu trên trường hợp trẻ sơ sinh tiêm chủng; những ảnh hưởng đối với người lớn sẽ cần nghiên cứu thêm.

Các tác giả của nghiên cứu hiện tại cũng cho biết thêm rằng, các quốc gia khác nhau sử dụng lịch tiêm chủng BCG khác nhau, cũng như các chủng khuẩn khác nhau.

Các bác sĩ Nga nói gì?

“Tiêm vắc-xin BCG có thể được coi là một trong những cách để kích thích hệ thống miễn dịch. Trong một số tình huống, nó thực sự có ích. Tuy nhiên, một lần nữa, để xác nhận điều này, chúng tôi cần thử nghiệm lâm sàng”, Nikol Nikolay Korobov, bác sĩ-dược sĩ tại Khoa Y học cơ bản tại Đại học quốc gia Moscow, nói.

Về cơ bản, giới bác sĩ ở Nga lập luận rằng vắc-xin là một loại thuốc tăng cường miễn dịch hiệu quả, nhưng quan điểm cho rằng nó có thể được dùng để chống COVID-19 lại bị phản ứng kịch liệt.

“Một điều duy nhất mà bệnh lao và COVID-19 có điểm chung là cách chúng lây truyền. Phần còn lại chỉ là sự tưởng tượng của ai đó”, chuyên gia về bệnh lao ở St. Petersburg, ông Alexanderr Panteleev nói .

“Vắc-xin BCG có tuổi thọ ngắn, tối đa là 10 năm. Ở người trưởng thành, vắc-xin đơn giản là không phát triển mạnh. Vì vậy, quan điểm cho rằng tiêm BCG đã giúp người Nga miễn dịch chống lại virus corona chỉ đơn giản là ngớ ngẩn. Hơn nữa, đây là hai loại nhiễm trùng hoàn toàn khác nhau và cơ chế chéo giữa chúng là không rõ ràng”.

Nhà nghiên cứu về ung thư Evgeniy Timako cũng tin rằng, trong trường hợp không có bằng chứng về sự liên quan, những cuộc tranh luận về điều này không có ý nghĩa gì trong bối cảnh dịch hiện tại.