Hồ sơ điều tra

Trăn trở của Luật sư về vụ nữ kiểm toán chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng

Lừa hàng trăm tỷ đồng, Đỗ Thị Lệ chấp nhận hình phạt, còn quyền lợi của người bị hại có được đảm bảo khi đang phải gánh trên vai khoản nợ “khổng lồ”?!

Bị cáo xin được sớm trở về trại cải tạo

Với hành vi lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của các bị hại, mới đây bị cáo Đỗ Thị Lệ (SN 1983, trú tại phường Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) đã bị đưa ra xét xử phúc thẩm tại TAND Cấp cao tại Hà Nội do có kháng cáo của bị hại là bà L.T.T. (SN 1963, trú tại phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Đỗ Thị Lệ vốn làm nghề kiểm toán và có nhiều thông tin về các dự án bất động sản cũng như các mã cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán. Bằng cách tự giới thiệu có thể mua được các mã chứng khoán và các dự án nhà đất với giá ưu đãi, đem lại lợi nhuận cao; Lệ đã rủ rê người quen góp vốn đầu tư mua bất động sản và cổ phiếu rồi chiếm đoạt tiền.

Trong số rất nhiều nạn nhân của Lệ có trường hợp của vợ chồng ông C.M.Tr, bà L.T.T. Lệ biết ông bà này có tiền muốn đầu tư kinh doanh nên đã giới thiệu mình có nhiều mối quan hệ với các cán bộ cao cấp của Nhà nước, có thể mua được các mã chứng khoán với giá ưu đãi, có lợi nhuận cao.

Để nạn nhân tin tưởng, Lệ vào internet chọn các mã chứng khoán rồi chỉnh sửa số liệu, gửi vào hòm thư điện tử cho ông Tr. xem trước.

Với từng ấy thông tin, song từ tháng 12/2012 đến tháng 02/2017, ông Tr. nhiều lần chuyển tiền tổng cộng hơn 32 tỷ đồng vào tài khoản ngân hàng của Lệ để mua các mã chứng khoán dài hạn và ngắn hạn.

Tuy nhiên, sau khi nhận tiền của ông Tr., Lệ không mua các mã chứng khoán như đã hứa hẹn mà sử dụng để chi tiêu cá nhân. Tạo lòng tin phía ông Tr., Lệ đã làm giả các bản bảo cáo hạch toán hàng kỳ về số lượng mã cổ phiếu, số tiền mua, lịch chia cổ tức của từng mã cổ phiếu rồi chuyển cho ông Tr. xem.

Cáo già hơn, Lệ cũng nhiều lần chuyển vào tài khoản của ông Tr. một khoản tiền và nói dói là tiền lãi của các mã chứng khoán đã đầu tư làm nạn nhân không nghi ngờ gì, tin tưởng việc đầu tư của mình là đúng đắn, hiệu quả nên tiếp tục chuyển tiền cho Lệ đầu tư.

Không chỉ dừng lại ở việc lôi kéo bị hại đầu tư vào chứng khoán, Lệ còn tung thông tin gian dối và “vẽ” ra nhiều dự án bất động sản tiềm năng, nếu đầu tư vào sẽ có lợi nhuận cao. Vì vậy, ông Tr. sau đó tiếp tục chuyển tiền cho Lệ.

Tổng số tiền ông Tr. chuyển cho Lệ để đầu tư mua mã chứng khoản, bất động sản lên tới hơn 79,6 tỷ đồng. Đến nay, Lệ còn nợ vợ chồng bà L.T.T gần 59 tỷ đồng.

Tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa, Lệ khai nhận toàn bộ số tiền vợ chồng ông Tr. chuyển cho mình, Lệ không sử dụng đầu tư như thỏa thuận mà dùng vào việc trả nợ, chi tiêu cá nhân.

Để có tiền chi tiêu, Lệ không chừa một ai, ngay cả em họ của chồng, bị cáo cũng “nổ” có quan hệ trong kinh doanh, rủ rê người nhà đầu tư và chiếm đoạt hơn 27 tỷ đồng, mới trả lại hơn 2,5 tỷ đồng.

Quá trình điều tra làm rõ, sau khi chiếm đoạt tiền của các bị hại, Lệ đã chuyển khoản cho rất nhiều người để thanh toán các khoản nợ vay cá nhân của Lệ.

Bị tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Lệ tỏ ra vô cùng ân hận. Tại phiên tòa phúc thẩm, Lệ thừa nhận tội trạng và xin sớm được trở về trại để cải tạo.

Chấp nhận kháng cáo của bị hại

Là người tiếp nhận hồ sơ, tham gia bảo vệ cho bị hại L.T.T. trong giai đoạn phúc thẩm, Thạc sĩ, Luật sư Dương Đình Khuyến - Ủy viên Ban Tư vấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý Hội Luật gia Việt Nam (HLGVN) hết sức trăn trở.

Luật sư Dương Đình Khuyến chia sẻ về vụ án với PV.

Qua nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ vụ án, Luật sư Khuyến thấy rằng, nội dung án sơ thẩm còn nhiều vấn đề chưa được xem xét khách quan, toàn diện, chưa làm rõ bản chất vụ án. Quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến các đương sự chưa được xem xét một cách thấu đáo, toàn diện.

Tại phiên tòa, Luật sư bảo vệ bị hại đã nhiều lần đề nghị đưa 16 người nhận tiền từ bị cáo Lệ chiếm đoạt của các bị hại tham gia phiên tòa để làm rõ trách nhiệm của họ.

Cụ thể, tại Bản kết luận điều tra nêu rõ Lệ đã chuyển khoản cho 16 người số tiền hơn 41 tỷ đồng để trả tiền vay và nhờ thanh toán chi tiêu cá nhân. Cơ quan điều tra đã yêu cầu cung cấp giấy tờ, tài liệu xác định việc vay, mượn, góp vốn đầu tư, tài liệu chứng minh việc vay trả, song những người này không cung cấp được. Luật sư Khuyến cho rằng, hành vi của những đối tượng này có dấu hiệu chiếm giữ trái phép tài sản.

Từ đó, Luật sư Khuyến đề nghị HĐXX phúc thẩm hủy án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại. Tiếp tục kê biên tài sản đối với 02 thửa đất mà bản án sơ thẩm đã tuyên trả cho chồng bị cáo Lệ cùng với các tài sản khác mà cơ quan điều tra đã có quyết định kê biên. Cần đưa những người đã nhận tiền từ Lệ tham gia tố tụng trong vụ án này.

“Cơ quan điều tra chưa làm rõ được việc bị cáo Lệ đã sử dụng tiền chiếm đoạt của các bị hại như thế nào, chưa làm rõ và buộc những người đã nhận tiền từ bị cáo phải trả lại nhằm đảm bảo bồi thường cho các bị hại nên đề nghị hủy án sơ thẩm điều tra lại”, Luật sư Khuyến đề nghị.

Theo thông tin Luật sư Khuyến cung cấp, vợ chồng bà T. sang nước Tiệp làm ăn từ lâu nên không nắm rõ được quy định của pháp luật Việt Nam. Trong thời gian ở nước ngoài, ông C.M.Tr và bị cáo Lệ đã có quan hệ làm ăn, tin tưởng lẫn nhau. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của ông Tr., Lệ đã lên kế hoạch “ẵm” tiền tỷ của người bạn xa xứ, việc này bà T. (vợ ông Tr.) không hay biết.

Bà T. chỉ biết, ngoài việc dồn hết tài sản trong gia đình đầu tư theo lời Lệ, ông Tr. còn huy động tiền của rất nhiều người thân, anh em bạn bè. Đến khi sự việc vỡ lở, không có tiền trả nợ, ông Tr. quẫn trí đã tìm đến cái chết. Người đàn ông trụ cột trong gia đình mất đi, để lại gánh nợ “khồng lồ” trên vai người vợ.

Xót xa trước sự ra đi của người thân, vừa nuôi con vừa gồng gánh trả nợ, không còn cách nào khác, bà T. đã phải bán hết nhà cửa ở Việt Nam để thay chồng trả nợ phần nào cho những người đã đưa tiền, tài sản cho ông Tr. đầu tư.

Nhớ mãi ánh mắt tuyệt vọng, hoang mang của bà T. khi tìm đến Luật sư, Luật sư Khuyến đã tư vấn đường đi nước bước cũng như động viên giúp bị hại bình tâm trở lại, tiếp tục tham gia phiên tòa phúc thẩm, đòi lại quyền lợi chính đáng của mình.

Trước những lập luận của Luật sư Khuyến, HĐXX cấp phúc thẩm đã chấp nhận một phần kháng cáo của bị hại L.T.T, kiến nghị xem xét trách nhiệm của một số người liên quan trong việc nhận tiền của bị cáo Lệ, nếu có căn cứ sẽ giải quyết theo quy định của pháp luật. Riêng bị cáo Lệ do không có kháng cáo nêu bị tuyên y án tù chung thân.

Qua vụ án này, Luật sư Khuyến cảnh giác tới mọi người, trước khi muốn đầu tư vào việc gì cần phải tìm hiểu, xem xét thật kỹ lưỡng, tránh bị những lời ngon ngọt mê hoặc để rồi “tiền mất, tật mang”.