Dân sinh

Trăn trở của cô giáo duy trì lớp học tình thương hơn 20 năm ở Cà Mau

Hơn 20 năm qua, lớp học tình thương ở Cà Mau vẫn rộn ràng tiếng đọc ê a của trẻ nhỏ. Hầu hết các em này đều có chung hoàn cảnh là...không có điều kiện đến trường.

“Cô giáo của công chúng”

Những ngày giữa tháng 11, PV Người Đưa Tin Pháp luật có dịp đến thăm lớp học tình thương do cô Lê Thu Thiết, 61 tuổi, ngụ phường 7, TP.Cà Mau (giáo viên đã nghỉ hưu) trực tiếp đứng lớp giảng dạy. Điểm đặc biệt ở lớp học nằm trong con hẻm nhỏ thuộc khóm 6, phường 6, TP.Cà Mau chính là 3 lớp học chung một bục giảng.

Theo tìm hiểu của PV, lớp học tình thương này được hình thành từ năm 1999 đến nay. Lớp học được bố trí trong một căn nhà có diện tích khoảng 45m2. Hiện tại lớp học có 70 em, các em học sinh tại đây chủ yếu ở các phường 1, phường 4, phường 5, phường 6, phường 7 và phường 8, TP.Cà Mau.

Hầu hết các em theo học là con, em của những lao động có hoàn cảnh khó khăn, nên một số em chưa có giấy khai sinh và một số em phải bán vé số để phụ giúp gia đình.

Cô giáo Lê Thu Thiết.

Lớp học giảng dạy từ lớp 1 đến lớp 5 và được dạy 2 buổi/ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Buổi sáng có 34 em là những em chưa biết đọc và biết viết sẽ bắt đầu học từ lúc 7h; buổi chiều có 36 em là những em đã biết đọc và biết viết được học bắt đầu từ 15h.

Trao đổi với chúng tôi, cô Thiết cho biết, trước đây cô từng là giáo viên của trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, phường 5, TP.Cà Mau. Ban đầu, cô đến với lớp là do các cha xứ ở nhà thờ đề nghị.

Ngày này qua tháng nọ, cô Thiết cứ đều đặn dạy học mỗi ngày 2 buổi và dần dần thương các em hồi nào không hay rồi gắn bó đến nay.

Nhớ lại những năm đầu còn khó khăn, cô Thiết kể: “Tôi vẫn còn nhớ lớp học những ngày đầu chỉ có 9 em, cô giáo phải đến từng nhà để năn nỉ phụ huynh cho các em đến lớp. Lúc này, nhiều phụ huynh không muốn cho con đi học, vì nghèo khó. Nhưng rồi, bằng sự kiên nhẫn, chúng tôi ngày càng nhận được nhiều em vào lớp”.

Trải qua thời gian đổi chỗ liên tục, đến năm 2016, lớp học của cô Thiết mới dời về khóm 6, phường 6 và ổn định đến nay. Hơn 20 năm theo lớp học tình thương này, những kỷ niệm buồn vui của người đứng lớp như cô Thiết không sao kể hết.

Cô Thiết gắn bó với lớp học tình thương hơn 20 năm qua.

Cô Thiết chia sẻ: “Hiện tại, đứa học trò lớn nhất tôi đang giảng dạy năm nay đã 18 tuổi, tuy vậy vẫn chưa biết chữ. Thậm chí, có em 3 năm rồi chưa qua nổi lớp 1.

Tuy vậy, dù hoàn cảnh và điều kiện như thế nào, nhưng đã là học trò ở lớp học này thì tôi đều hết lòng, hết sức dạy dỗ. Bởi, các con của tôi hay nói vui rằng: “Mẹ là cô giáo của công chúng”.

Ba lớp học, một bục giảng

Cô Thiết cho biết thêm, từ những ngày đầu thành lập, cô đảm nhận lớp học tình thương cùng với cô Th., nhưng được một thời gian cô giáo này mất do tai nạn giao thông. Hiện tại, lớp học chỉ có mình cô Thiết phải cáng đáng hết mọi việc đứng lớp nên rất vất vả.

Cô dạy một lúc 3 lớp trong cùng phòng học bằng cách chia theo nhóm. Chẳng hạn, nhóm lớp 1 cô cho các cháu tập rèn chữ, nhóm lớp 2 cho các cháu tập đọc, nhóm lớp 3 thì làm toán. Cứ như vậy cô thường xuyên đi lại để theo dõi, hướng dẫn cho các cháu học bài và tiếp thu bài.

Niềm vui của các em khi được đến lớp học tình thương.

Theo cô Thiết, vì đây là lớp học đặc biệt nên việc soạn giáo án cũng rất đặc biệt. Cô không dạy đại trà tất cả các môn như ở nơi khác mà chủ yếu tập trung vào 2 môn chính: Tiếng việt, Toán. Khi đã có kiến thức cơ bản rồi, sau này nếu có điều kiện các em muốn học lên nữa thì cũng có kiến thức cơ bản.

Cô Thiết trăn trở: “Cực khổ là vậy nhưng nhiều em đã theo học đến lớp 5, biết viết và đọc, đó là phần thưởng quý giá nhất đối với những người làm nghề giáo. Ước muốn lớn nhất hiện tại của tôi là sau khi các em đã biết chữ thì có ai đó có thể tạo điều kiện cho các em được học nghề, để sau này các em tự kiếm sống bằng chính khả năng của mình”.

Các mạnh thường quân hỗ trợ tủ sách cho lớp học tình thương.

Em Lâm Hoàng Khang, học sinh của lớp học tình thường, chia sẻ: “Năm nay con đã học đến lớp 3. Sau thời gian học, bây giờ con đã biết được con chữ. Tụi con ở đây đứa nào cũng thương cô nhiều lắm”.

Rời lớp học tình thương ở phường 6,  chúng tôi thấy còn nhiều trăn trở. Tương lai của các em sau khi đã biết đọc, biết viết vẫn còn là dấu chấm hỏi lớn.

Nhưng, dẫu sao hiện tại các em được sống trọn vẹn tuổi thơ, ở nơi đó các em được yêu thương, dạy dỗ, được hồn nhiên vui đùa với các bạn trong lớp, được cộng đồng xã hội quan tâm, chăm lo. Đây cũng là hành trang quan trọng để các em tự tin bước vào cuộc sống.

Ông Trần Văn Thơm, Phó Chủ tịch UBND phường 6, TP.Cà Mau thông tin: “Ban đầu lớp học được xây dựng với mục đích giúp cho các em không có điều kiện đến trường biết chữ. Qua thời gian 20 năm, lớp học ngày một đông thêm. Phường cũng kiến nghị các ngành chức năng hỗ trợ về cơ sở vật chất, đồ dùng học tập cho lớp học và hỗ trợ thêm kinh phí cho người trực tiếp giảng dạy”.