Văn hoá

Trần Lực ra mắt vở kịch Nữ ca sĩ hói đầu: Xem xong không ai hiểu gì

"Lần đầu tiên trong lịch sử kịch nói Việt Nam, kịch phi lý được dàn dựng trên sân khấu L'Espace bởi đạo diễn Trần Lực qua kiệt tác nổi tiếng Nữ ca sĩ hói đầu của Ionesco" - lời quảng cáo của chương trình, đầy hấp dẫn và có tính mời gọi cao.

Nữ ca sĩ hói đầu là một kiệt tác từng làm mưa làm gió tại các sân khấu lớn trên thế giới gần 70 năm qua. Và đây lại là lần đầu tiên vở kịch được ra mắt công chúng Việt Nam, dưới bàn tay của đạo diễn Trần Lực - người được nhà văn Ngô Thảo xem là "niềm hi vọng của sân khấu nước nhà".

Nữ ca sĩ hói đầu được Lucteam trình diễn bằng phương pháp sân khấu ước lệ, biểu hiện. 

Cần phải nói thêm, Nữ ca sĩ hói đầu là "đứa con đầu lòng" của nhà viết kịch lừng danh Eugène Ionesco. Và đây là một vở kịch phi lý.

Với 61 năm công diễn liên tục tại nhà hát Huchette ở thủ đô Paris, Nữ ca sĩ hói đầu đang giữ kỷ lục là tác phẩm kịch được công diễn với mật độ dày nhất từ trước tới nay.

Một lần đi xem mà được chứng kiến quá nhiều cái nhất thì đó là một "kèo thơm" - theo cách nói của các bạn trẻ.

Nội dung của vở kịch xoay quanh những sự kiện rời rạc diễn ra trong một gia đình trưởng giả nước Anh.

Toàn bộ vở kịch là những đoạn đối thoại (phải khẳng định) là nhạt nhẽo và ít liên quan. "Ông nói gà bà nói vịt" suốt 90 phút.

Bối cảnh câu chuyện diễn ra ở Anh, vào một buổi sáng, lúc 9h và kết thúc vở kịch cũng vào lúc 9h sáng, ở Anh.

Một vở kịch không đầu không cuối, thậm chí không có luôn nút thắt. Đó có lẽ là điều làm nên kịch phi lý - tính chất "phản kịch" theo nghĩa truyền thống, tức tính phi cốt truyện, phi xung đột và phi tính cách.

Vì thế mà xem hết vở kịch, không một ai hiểu gì. Chẳng thế mà đạo diễn Trần Lực nói: "Xem xong kịch khán giả không hiểu thì tôi mời khán giả đến xem lần hai - giảm giá 30%, lần thứ ba giảm giá 50%, lần thứ tư giảm 75%…".

Đạo diễn Trần Lực (phải) và nhà biên kịch Đỗ Trí Hùng - người góp phần đưa Nữ ca sĩ hói đầu đến với công chúng Việt Nam. 

Đâu đó trong khán phòng vọng lại: "Xem lần thứ 10 chắc miễn phí".

Không chỉ khán giả, mà ngay đến diễn viên cũng… không hiểu mình đang thoại gì. Đỉnh điểm của những lời thoại nhảm nhí thuộc về nhân vật ông đội trưởng đội cứu hỏa do diễn viên Lê Văn đảm nhận.

Chia sẻ về việc học thoại, Lê Văn gãi đầu giải thích: "Tôi muốn hóa thân vào nhân vật nên vẽ cả sơ đồ đoạn thoại để nắm bắt nhưng rốt cục cũng không hiểu gì. Cuối cùng tôi quyết định học vẹt và mất nửa tháng để học thuộc đoạn thoại đó".

Càng về cuối kịch càng nhảm nhí. Cuộc trò chuyện tăng dần số người tham gia và câu chuyện cũng theo đó mà ít liên quan với nhau hơn.

Nhưng chính vì sự rời rạc một cách thống nhất ấy mà vở kịch trở nên ý nhị và dễ thương.

Khẽ đâu đó trong khán phòng bật ra tiếng cười, rồi tiếng khúc khích. Cuộc sống của Anh (dưới bàn tay tác giả Pháp) sao mà có tính thời đại đến thế? Sao mà gần với Việt Nam thế?

Ẩn đằng sau những câu thoại nhảm nhí là một cảm giác thân thuộc đến kỳ lạ. Đâu đó ta thấy mình trong những cuộc đối thoại mà như độc thoại ấy.

Hai người nói với nhau nhưng mỗi người lại theo đuổi một suy nghĩ riêng. Trong vô thức, cuộc trò chuyện vẫn diễn ra, và vẫn kết thúc.

Chủ đề của cuộc trò chuyện là một người thứ ba - nhưng mỗi người lại nghĩ về một người khác - và vẫn thành chuyện.

Hóa ra đó là những điều phi lý vẫn diễn ra trong cuộc sống thường ngày, nó lặp đi lặp lại khiến ta không để ý rồi bỗng trở nên bình thường một cách phi lý.

Để rồi, chia sẻ về vở kịch, một khán giả phải thốt lên rằng: "Xem xong tôi chẳng hiểu gì cả nhưng tôi nghĩ tôi không cần hiểu nữa, vì tôi đã yêu mất rồi".

N.Q.S