Sức khỏe

Trầm cảm nguy hiểm, đau đớn hơn nhiều căn bệnh khác

Liên quan đến nghi án mẹ trầm cảm ném con trai 2 tuổi xuống giếng dẫn đến tử vong  (xã Tịnh Châu, TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi), nhiều chuyên gia tâm lý nhận định, chúng ta đang coi thường, bỏ quên căn bệnh trầm cảm- căn bệnh nguy hiểm, đau đớn hơn tất cả những căn bệnh khác.

Thời gian qua, bệnh trầm cảm là nguyên nhân dẫn đến không ít vụ án mạng xảy ra như mẹ giết con, tự tử, con giết cha... Còn nhớ, tại Hà Nội, dư luận từng rúng động trước vụ việc một bà mẹ trẻ đã đặt con ruột mới 33 ngày tuổi vào chậu nước cho đến khi cháu bé tử vong. Cơ quan điều tra xác định, nguyên nhân dẫn đến vụ án thương tâm này là do người mẹ mắc bệnh trầm cảm nặng nên có những suy nghĩ tiêu cực.

Sự việc là hồi chuông cảnh báo về những tác hại khôn lường của căn bệnh trầm cảm gây ra. Bệnh trầm cảm không chỉ ảnh hưởng đến người mắc mà còn hệ lụy tới gia đình và xã hội.

Giếng nước, hiện trường nơi cháu Q. tử vong.

Chia sẻ với báo chí, TS. Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc bệnh viện Tâm thần Trung ương I nhận định: “Hiện nay không ít người đang xem nhẹ và coi căn bệnh trầm cảm là “không đáng quan tâm”, thậm chí khi nói rằng trầm cảm còn nguy hiểm hơn cả những căn bệnh mãn tính và đau đớn hơn tất cả những căn bệnh nào khác, mọi người đều cho rằng đó là đang làm quan trọng thêm vấn đề”.

"Không gì đau đớn bằng bệnh trầm cảm và đưa ra một số liệu thống kê cho thấy 80% bệnh nhân trầm cảm nặng bị ảo thanh định tự sát, 15% trong đó đã tự sát thành công", TS.Phương nói.

Những phân tích trên cho thấy, đã đến lúc xã hội phải dành sự quan tâm đặc biệt cho căn bệnh trầm cảm để tránh những vụ việc thương tâm xảy ra với người thân và xã hội. Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân để dẫn đến trầm cảm như biến cố xảy ra trong cuộc sống, áp lực và stress. Thậm chí, nguyên nhân do di truyền, do biến chứng từ những chấn thương ở vùng đầu, do trải qua những cú sốc về tâm lý, do lạm dụng một số chất kích thích và gây nghiện hay do thói quen sống cô lập, ít giao tiếp, vận động, thiếu ngủ…

Trong khi đó, con người ngày càng phải đối mặt với những yếu tố trên như áp lực thi cử, áp lực làm việc, mâu thuẫn trong gia đình… dẫn đến dồn nén mà không thể chia sẻ cho những người thân bên cạnh dẫn đến con người không kiểm soát được hành vi dễ dẫn đến hành động tiêu cực với chính bản thân, người thân và xã hội.

Trước đó, báo chí đưa tin nghi án mẹ trầm cảm ném con trai 2 tuổi xuống giếng dẫn đến tử vong  (xã Tịnh Châu, TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

Được biết, vào khoảng 7h30 ngày 8/10, khi nghe thấy tiếng chị Phạm Thị Ngọc Thu (27 tuổi), ở đội 3, thôn Phú Bình, xã Tịnh Châu, TP.Quảng Ngãi hô hoán cháu Phạm Ngọc H. (2 tuổi), con trai chị bị bắt cóc, người dân nhanh chóng chia nhau đi tìm. Sau đó, người dân phát hiện chiếc xe nôi và thi thể cháu H. ở dưới giếng gần nhà. Vụ việc đã được báo lên cơ quan chức năng.

Nguồn tin đăng tải trên Zing, khám nghiệm tử thi bước đầu, cơ quan công an nhận định cháu H. tử vong do bị ném xuống giếng. Cơ quan chức năng đang tập trung làm rõ nghi vấn người mẹ thực hiện hành vi này. Theo thông tin từ người nhà nạn nhân, chị Thu từng có thời gian đi chữa trị bệnh trầm cảm. Thời gian gần đây, chị này có những biểu hiện, hành động lạ. Vụ việc đang tiếp tục được lực lượng chức năng điều tra làm rõ.

N.Giang (tổng hợp)