Trạm BOT mà biết nói năng…

Hết thời các doanh nghiệp hồ hởi, nhiệt tâm xin đầu tư làm dự án đường BOT. Các dự án mới giờ thưa thớt hẳn, còn dự án cũ đang thu phí đó đây bị các lái xe phản ứng về giá cả, chặng thu phí không hợp lý. Có thời gian, BOT thành chuyện “nóng” từ Bắc tới Nam.

Kính gửi các chủ BOT… chưa lộ!

Hết thời các doanh nghiệp hồ hởi, nhiệt tâm xin đầu tư làm dự án đường BOT. Các dự án mới giờ thưa thớt hẳn, còn dự án cũ đang thu phí đó đây bị các lái xe phản ứng về giá cả, chặng thu phí không hợp lý. Có thời gian, BOT thành chuyện “nóng” từ Bắc tới Nam.

Và đến bây giờ, có những trạm BOT vẫn không thể thu phí trở lại sau sự phản ứng của người dân. Như trạm Mỹ Lộc (Nam Định) người ta vẫn lập “chốt” phản đối việc thu phí. Thời gian hoàn vốn chưa đủ cho chủ đầu tư, sớm muộn trạm BOT cũng phải thu phí trở lại. Bởi không thu phí, nhà đầu tư lại xin chủ trương Nhà nước mua lại mà ngân sách đâu phải niêu cơm Thạch Sanh để có thể giải ngân ngoài dự toán!

Chủ đầu tư tiếp tục bài ca khó khăn. Đầu tư BOT giờ phải trả lãi suất cao, để rút ngắn thời gian hoàn vốn phải xin tăng phí… Đã có ý kiến chuyên gia thẳng thắn cho rằng: Đầu tư đường theo BOT cũng phải tuân thủ quy luật lời ăn lỗ chịu, không thể chấp nhận cung cách có lãi thì lao vào, khó khăn thì trả lại Nhà nước!

Nhưng thực tế, những chuyện sâu thẳm bên trong mấy ai đã tường minh. Có những chủ đầu tư làm đường BOT như kiểu… tay không bắt giặc: Vay ưu đãi, đường chưa xong đã đóng làn thu phí, cải tạo láng tí mặt đường cũng lập trạm thu phí… Những điều như thế, làm sao che mắt được thiên hạ.

Có lẽ, cái điều người ta vẫn nói đến là việc dự toán hoàn vốn rất xa xôi (với lưu lượng xe lưu thông thấp, giá trị đầu tư cao) để kéo dài thời gian thu phí. Nghi ngờ cứ âm thầm, với những phỏng đoán ở dự án này, dự án kia. Thi thoảng mới có chủ đầu tư bị lộ, nhưng sai số vẫn trong phạm vi cho phép, hay vì lý do thật lạ lùng “quên” nên thu phí thêm vài tháng. Tiền thu phí vài tháng với một vài người qua đường thì có đáng là bao, nhưng với khoản thu thực tế thì các chủ đầu tư trúng đậm.

Mọi chuyện cứ mù mờ, đoán già đoán non nếu không có một vụ cướp táo bạo xảy ra. Ơn giời, lực lượng chức năng nhanh chóng phá án và một sự thật khác về BOT được phơi bày. Hóa ra tiền một ca trực, thực thu ở BOT Long Thành- Dầu Giây khiến người ta phải giật mình: Tiền tỷ!

Sau vụ cướp ở trạm BOT Long Thành - Dầu Giây, để giải tỏa sự nghi ngờ của dư luận mới đây, báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam công bố con số giật mình. Tổng số 63 trạm thu phí của 57 dự án BOT trên cả nước chỉ thu được hơn 12.192 tỷ đồng trong năm 2018. Tính trung bình, mỗi trạm chỉ thu được khoảng 537 triệu đồng/ngày. Song, con số thực tế chỉ với một ca trực thôi số tiền đã có thể gấp vài lần!?

Sự thật này làm cho bức tranh về BOT khiến người dân muốn vạch thêm những đường chì đen. Những chủ đầu tư, những dự án BOT chưa lộ cũng sẽ được đặt lên bàn cân để đong đếm sự chính xác về số tiền thực thu. Đó là những gì người dân mong muốn để tiền của họ không bị trả thêm một cách phi lý.

Người dân cần sự vào cuộc của các cơ quan có thẩm quyền đưa ra ánh sáng những dự án, chủ đầu tư gian lận chưa bị lộ!