Thế giới

“Trái tim châu Âu” tối tăm vì khủng hoảng khí đốt

Nước Đức – được mệnh danh “Trái tim châu Âu”, với nền kinh tế lớn nhất châu lục, đang tìm cách vượt qua mùa đông tới mà không có khí đốt Nga.

Nhà thờ lớn Berlin đứng lặng yên trong bóng tối hôm 27/7, sau khi các quan chức Đức ra lệnh tắt bớt hệ thống chiếu sáng tại một số tòa nhà, đài tưởng niệm, đài phun nước... trên toàn thành phố nhằm tiết kiệm năng lượng trong bối cảnh lo ngại về tình trạng thiếu điện sẽ đến vào mùa đông tới.

Khoảng 200 tòa nhà mang tính biểu tượng ở thủ đô nước Đức, bao gồm Đài Chiến Thắng (Victory Column), Cung điện Charlottenburg và Tòa thị chính, từ nay sẽ không còn được thắp sáng vào ban đêm.

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cũng đã cố gắng làm gương trong nỗ lực tiết kiệm năng lượng này bằng cách ra thông báo rằng Phủ Tổng thống ở Berlin và Cung điện Bellevue sẽ không còn được thắp sáng vào ban đêm, trừ những dịp đặc biệt, chẳng hạn như đón khách trong các chuyến thăm cấp nhà nước.

Mỗi kWh năng lượng đều có giá trị

Thành phố Hanover, thủ phủ bang Lower Saxony (Niedersachsen) ở Tây Bắc nước Đức, hôm 28/7 đã đưa ra các quy định nghiêm ngặt về tiết kiệm năng lượng trong bối cảnh lo ngại gia tăng về một cuộc khủng hoảng năng lượng mùa đông do Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu.

Tòa thị chính ở thành phố Hanover, thủ phủ bang Niedersachsen, Tây Bắc nước Đức, sẽ không còn lung linh ánh đèn vào ban đêm theo các quy định mới nhất nhằm tiết kiệm năng lượng. Ảnh: Sky News

Hanover cũng trở thành thành phố lớn đầu tiên của nước Đức công bố các biện pháp tiết kiệm năng lượng sâu rộng, bao gồm ngừng cấp nước nóng cho các tòa nhà công cộng, bể bơi, nhà thi đấu thể thao, phòng tập gym, tắt hệ thống chiếu sáng ban đêm tại các tòa nhà lớn như Tòa thị chính.

“Mỗi kWh năng lượng tiết kiệm được đều có giá trị, và việc bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng phải được ưu tiên”, Thị trưởng Hanover Belit Onay cho biết.

Theo quy định, các tòa nhà trong thành phố sẽ chỉ được sưởi ấm từ ngày 1/10 năm nay đến ngày 31/3 năm sau, ở nhiệt độ phòng không quá 20 độ C (68 độ F), đồng thời cấm sử dụng các thiết bị điều hòa không khí di động và quạt sưởi. Các nhà trẻ, trường học, viện dưỡng lão và bệnh viện được miễn trừ khỏi các biện pháp tiết kiệm.

Ông Onay cho biết trên Twitter: “Mục tiêu là giảm mức tiêu thụ năng lượng của chúng ta xuống 15%. Đây là một phản ứng đối với tình trạng thiếu khí đốt đang diễn tiến, và đặt ra một thách thức lớn cho các đô thị, đặc biệt là đối với một đô thị lớn như Hanover”.

Các thành phố lớn khác ở Đức như Munich, Leipzig, Cologne và Nuremburg cũng đã áp dụng các biện pháp tương tự.

Để sống sót qua mùa đông

Mục tiêu cắt giảm 15% mức sử dụng năng lượng của Hanover cũng phù hợp với khuyến nghị Ủy ban châu Âu đưa ra trong tuần này nhằm đảm bảo EU có thể “sống sót” trong trường hợp Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt cho châu Âu.

Đức, quốc gia phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu khí đốt từ Nga so với các nước châu Âu khác, đang chịu áp lực trong việc đi đầu thực hiện chính sách này.

Thị trưởng Hanover Belit Onay cho biết, "mỗi kWh năng lượng tiết kiệm được đều có giá trị", khi đề cập đến các biện pháp tiết kiệm năng lượng trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng. Ảnh: DPA

“Trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine và các mối đe dọa năng lượng từ Nga, điều quan trọng là chúng ta phải xử lý vấn đề năng lượng của mình cẩn thận nhất có thể”, Bettina Jarasch, một thượng nghị sĩ Berlin, cho biết.

Tập đoàn năng lượng quốc doanh Gazprom của Nga hôm 27/7 đã giảm 1/2 lượng khí đốt tự nhiên chảy qua đường ống chính từ Nga đến châu Âu xuống còn chưa đầy 20% công suất, tương đương hơn 30 triệu m3/ngày.

Đây là lần cắt giảm nguồn cung khí đốt mới nhất của Nga cho châu Âu qua Dòng chảy Phương Bắc 1 (Nord Stream 1).

Moscow viện dẫn các vấn đề kỹ thuật là lý do cho việc cắt giảm cung cấp khí đốt, nhưng các nước châu Âu gọi đây là một động thái chính trị nhằm gieo rắc sự bất định và đẩy giá năng lượng lên trong bối cảnh xung đột ở Ukraine vẫn đang tiếp diễn.

Có nhiều ý kiến lo ngại rằng Điện Kremlin có thể đóng hoàn toàn van khí đốt tới châu Âu khi nhu cầu sử dụng khí đốt ở “lục địa già” tăng vọt vào mùa đông.

“Khí đốt hiện là một phần trong chính sách đối ngoại của Nga và có thể là chiến lược chiến tranh của Nga”, người đứng đầu cơ quan quản lý năng lượng của Đức, Klaus Müller, nói với đài Deutschlandfunk.

Đức phụ thuộc vào Nga để đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu khí đốt trong nước. Quốc gia Tây Âu sử dụng phần lớn lượng khí đốt nhập khẩu để sưởi ấm các ngôi nhà và cung cấp năng lượng cho ngành công nghiệp rộng lớn của mình.

Mặc dù kế hoạch khẩn cấp về năng lượng được khởi xướng vào tháng 6 cho phép các công ty tiện ích chuyển giá khí đốt cao cho khách hàng, hầu hết các hộ kinh doanh tư nhân ở Đức chưa trực tiếp trải nghiệm cú sốc giá năng lượng do họ thường thanh toán hóa đơn khí đốt từ trước.

Hôm 28/7, chính phủ Đức xác nhận rằng một khoản phụ phí khí đốt theo kế hoạch đối với khách hàng có thể cao hơn nhiều so với dự kiến trước đó, để cứu các công ty năng lượng khỏi phá sản trong những tháng tới.

“Chúng tôi vẫn chưa thể nói giá xăng sẽ là bao nhiêu trong tháng 11 tới, nhưng tin không vui là con số đó chắc chắn phải là vài trăm Euro cho mỗi hộ kinh doanh”, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết.

Hầu hết hệ thống chiếu sáng Nhà thờ lớn Berlin được tắt từ đêm hôm 27/7/2022 để tiết kiệm năng lượng. Ảnh: EPA

Minh Đức (Theo New York Post, Sky News, Euronews, The Guardian)