Tiêu điểm thế giới

Trả đũa vụ bắn rơi máy bay Su-25 của Nga ở Syria và sự “thêu dệt” khiến Moscow lên tiếng

Nga lên án các nước phương Tây nỗ lực cố tình liên kết sự cố hóa học ở Syria với việc máy bay phản lực bị bắn rơi.

Nga lên án nỗ lực của các nước phương Tây nhằm tạo ra mối liên hệ giữa sự cố hóa học được cho là ở Syria và vụ bắn rơi máy bay cường kích Su-25 của Nga ở nước này, Đại diện thường trực của Nga tại Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) Alexander Shulgin chia sẻ với TASS vào hôm thứ Sáu.

Ông Alexander Shulgin cho biết: “Việc cố gắng tạo ra mối liên hệ giữa sự cố hóa học và việc máy bay Su-25 của Nga bị bắn rơi trước khi xảy ra sự cố ở Saraqib là hành vi gây phẫn nộ”. Ông Alexander Shulgin cho biết thêm: "Những điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được và điều này đã được khẳng định chắc chắn trong phiên họp của Hội đồng Điều hành."

Vào ngày 11/4, Nhóm Điều tra và Nhận dạng (IIT) của Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) đã trình bày báo cáo thứ hai, trong đó nêu rõ rằng các máy bay của không quân Syria đã thả một quả bom chứa nhiều khí clo xuống thị trấn Saraqib do phiến quân nắm giữ ở Idlib vào tháng 2/2018. Một nội dung trong tài liệu nói rằng hành động này của Syria nhằm trả thù cho chiếc máy bay Su-25 của Nga bị bắn rơi trước đó.

Ông Shulgin khẳng định, vũ khí hóa học Syria vẫn là một trong những vấn đề cấp bách nhất trong chương trình nghị sự của OPCW. Theo ông, trong khi các quốc gia phương Tây tiếp tục chỉ trích Syria trong cuộc họp của Hội đồng điều hành, phía Nga lại tập trung vào việc chính phủ Syria "cởi mở chưa từng có" trong quan hệ với OPCW.

Ông Shulgin nói: “Các đồng nghiệp của chúng tôi từ khối Châu Âu-NATO thích nhắm mắt làm ngơ trước thực tế này, chỉ tập trung vào những lời chỉ trích. Điều này minh họa rõ ràng động cơ thực sự đằng sau hành động của họ: sử dụng quyền hạn của tổ chức để áp đặt trật tự toàn cầu, dựa trên các quy tắc ứng xử có trách nhiệm mà họ đã tự nghĩ ra và làm tổn hại đến luật pháp quốc tế."

Bàn luận về Nhóm Điều tra và Nhận dạng (IIT), ông Shulgin cho biết họ đang "tung ra các báo cáo đáng ngờ, mà một nhóm quốc gia nhất định sử dụng để gây áp lực lên các quốc gia bất đồng chính kiến".

Đặc phái viên Nga cho biết: “Điều này khiến hoạt động của OPCW thậm chí còn bị chính trị hóa nhiều hơn và gieo rắc mối bất hòa trong hàng ngũ của mình”.

Vì cáo buộc Syria tấn công bằng vũ khí hóa học, Mỹ đã từng nhiều lần ném bom vào quốc gia Trung Đông này. Ngày 7/4/2017, Mỹ đã phóng 59 tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ không quân Syria ở Ash Sha'irat, cách thành phố Homs 40 km. Khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố vụ tấn công này là để đáp trả vụ tấn công được cho là sử dụng vũ khí hóa học ở Idlib và Mỹ cáo buộc chính phủ Syria đứng đằng sau vụ tấn công này. Trong khi đó, Nga mô tả vụ tấn công này của Mỹ là hành động xâm phạm đối với một quốc gia có chủ quyền.

Vụ tấn công vũ khí hóa học ở Syria được dàn dựng?

Mỹ nhiều lần cáo buộc quân đội Syria sử dụng vũ khí hoá học khi tấn công khủng bố ở Idlib nhưng chưa tìm được bằng chứng nào xác thực.

Hồi tháng 5/2019, Mỹ cho biết đang "đánh giá các dấu hiệu" về khả năng quân đội Syria đã sử dụng vũ khí hoá học trong một cuộc tấn công hôm 19/5/2019 nhằm vào khủng bố ở tỉnh Tây Bắc Idlib.

"Chúng tôi cảnh báo rằng Mỹ và các đồng minh sẽ 'đáp trả' nhanh chóng và thích đáng nếu chính quyền Assad sử dụng vũ khí hóa học", quan chức ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói với báo giới.

Trước đó, Syria khẳng định không bao giờ sử dụng vũ khí hoá học và hoàn toàn tuân thủ cam kết với OPCW.

Hồi năm 2018, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov từng cho biết, có bằng chứng không thể chối cãi rằng vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại Syria đã được dàn dựng.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định, Nga có bằng chứng cho thấy những cáo buộc về vụ tấn công hóa học ở thị trấn Douma của Syria đã được lên kế hoạch với sự trợ giúp của một cơ quan tình báo nước ngoài.