Chính sách

TP.Thủ Đức chính thức hoạt động

Hôm nay, TP.Thủ Đức chính thức đi vào hoạt động, sớm hơn dự kiến. Bộ máy lãnh đạo các cấp đang được kiện toàn.

Thời điểm quan trọng

Ngày 22/1, HĐND TP.Thủ Đức tổ chức kỳ họp đầu tiên để bầu ra Chủ tịch HĐND TP, Phó Chủ tịch HĐND TP và trưởng, phó các ban của HĐND TP này. Đồng thời, HĐND cũng bầu Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức theo đúng quy định của pháp luật.

Cùng thời điểm, UBND TP.HCM cũng tổ chức giao ban báo chí về sắp xếp hoạt động cho đơn vị hành chính mới này. 

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, bộ máy chính quyền TP.Thủ Đức đi vào hoạt động sớm hơn 2 tuần so với kế hoạch (ngày 7/2) để kịp chuẩn bị cho chương trình bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 là ngày 23/5.

Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè được bầu giữ chức Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức nhiệm kỳ đầu tiên.

Chính quyền địa phương của TP.Thủ Đức chính thức hoạt động từ thời điểm tổ chức kỳ họp thứ nhất của HĐND TP.Thủ Đức. Đồng nghĩa rằng, chính quyền địa phương tại quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức sẽ kết thúc nhiệm vụ, quyền hạn và chuyển tiếp cho chính quyền địa phương mới.

Kể từ ngày 22/1, tất cả hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sẽ do chính quyền TP.Thủ Đức thực hiện. Về con dấu, các cơ quan, đơn vị và các phường thuộc 3 quận sẽ chấm dứt hiệu lực từ hết 21/1.

“Đây là thời điểm quan trọng, nhạy cảm, có tác động không chỉ trong tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ mà ảnh hưởng rất nhiều đến người dân và doanh nghiệp. Mặc dù biết trước nhưng mọi người vẫn lúng túng”, ông Hoan đánh giá.

Cũng trong sáng 22/1, HĐND TP.Thủ Đức đã quyết định phân công vị trí Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức đối với ông Hoàng Tùng, 41 tuổi, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè. Ông Hoàng Tùng quê ở Quảng Ngãi; trình độ kiến trúc sư, Thạc sĩ Quy hoạch đô thị và quy hoạch vùng.

Trước khi giữ chức Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè vào tháng 10/2019, ông Tùng có thời gian dài công tác tại sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM, giữ chức Phó Giám đốc Sở từ tháng 3/2017.

HĐND TP.Thủ Đức cũng bầu các ông: Nguyễn Bạch Hoàng Phụng, 43 tuổi, Phó Chủ tịch UBND quận 2; Nguyễn Kỳ Phùng, 55 tuổi, Phó Giám đốc sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM; Nguyễn Hữu Anh Tứ, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức giữ chức Phó Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức.

Dự kiến chiều nay, Thành ủy TP.HCM trao quyết định chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, các Phó Bí thư TP.Thủ Đức.

Kiện toàn nhân sự bộ máy

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc sở Nội vụ TP.HCM thông tin: “Theo quy định, kể từ khi thành lập, TP.Thủ Đức có 60 ngày để tổ chức bộ máy cấp phường, xã. Và phải thành lập ủy ban bầu cử ở các đơn vị ít nhất 105 ngày trước 23/5”.

Trước đó, sở Nội vụ đã trình phương án nhân sự cho UBND TP.HCM. Theo đó, TP.Thủ Đức có 657 cán bộ. Sau năm 2025, nhân sự của khối này giảm còn 459 người.

Về trụ sở làm việc, theo phương án mới nhất của ban Chỉ đạo 167 trình UBND TP.HCM, trụ sở UBND quận 9 là nơi làm việc của Thành ủy Thủ Đức.

Trụ sở UBND quận 2 là nơi làm việc của HĐND và UBND TP.Thủ Đức. Còn trụ sở của UBND quận Thủ Đức là nơi làm việc của Ủy ban MTTQ VN TP.Thủ Đức và các đoàn thể.

Việc thay đổi hành chính từ các quận sang TP.Thủ Đức đang khẩn trương thực hiện.

Trong đề án, nhiệm vụ cốt lõi việc hình thành TP.Thủ Đức là tạo ra hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo trên nền tảng kinh tế tri thức từ các trụ cột sẵn có.

Lãnh đạo chính quyền TP.HCM đã chỉ đạo các Sở ngành có liên quan chủ động chuẩn bị các nội dung cần thiết hướng dẫn cá nhân, tổ chức có nhu cầu thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ, thủ tục hành chính.

Thông tin, quy trình thực hiện được công khai trên cổng thông tin điện tử, trụ sở cơ quan hành chính Nhà nước, khu phố, tổ dân phố và không thu phí việc thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ, thủ tục do thay đổi địa giới đơn vị hành chính.

Trường hợp cá nhân, tổ chức không có nhu cầu chuyển đổi thì các loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp trước đây theo đơn vị hành chính cũ nếu chưa hết thời hạn theo quy định vẫn được tiếp tục sử dụng.