Sự kiện

TP.Hồ Chí Minh thí điểm xe buýt mini

TP.Hồ Chí Minh sẽ rà soát tính khả thi khi đưa xe buýt mini từ 12-17 chỗ ngồi vào hoạt động.

Mới đây, bộ Giao thông Vận tải đề nghị TP.HCM rà soát tính khả thi khi xe buýt từ 12-17 chỗ hoạt động trên địa bàn, từ đó báo cáo Thủ tướng xem xét cho thí điểm.

Thông tin trên Vnexpress, trong yêu cầu rà soát tính khả thi, bộ Giao thông Vận tải đề nghị TP.HCM cần đánh giá hiệu quả của những tuyến xe buýt hiện có, bao gồm cả xe dưới 17 chỗ đã triển khai. Thành phố cũng cần nêu cụ thể thời gian thí điểm, số lượng xe, chi tiết lộ trình các tuyến buýt mini dự kiến nhằm đảm bảo đúng tính chất chở khách từ đường hẹp ra đường rộng, thuận tiện kết nối xe buýt lớn, metro, xe buýt nhanh...

Trường hợp Thủ tướng cho thí điểm xe buýt nhỏ, UBND TP.HCM cần chỉ đạo các đơn vị liên quan đánh giá kết quả và báo cáo lại quá trình thực hiện... Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị thành phố thực hiện giải pháp phát triển mạng lưới tuyến hiện hữu, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ...

Xe buýt mini tại TP.HCM được thiết kế là loại 12 chỗ ngồi, có cửa mở phía sau nên không chiếm diện tích ở hai bên. Xe có điều hòa và một số đặc tính như: có thể di chuyển, đón khách ở các hẻm rộng từ 4 - 6m, chuông xe được thiết kế để giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn. Đặc biệt, trước khi đưa vào sản xuất, thành phố sẽ lấy ý kiến người dân về kiểu dáng xe.

Xe buýt 12 chỗ do doanh nghiệp khai thác chở khách trên đường Lê Duẩn, quận 1. Ảnh: Vnexpress.

Trước đó, chia sẻ trên báo Tuổi Trẻ, TS Vũ Anh Tuấn, giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức cho rằng việc đưa xe buýt mini vào hoạt động tại thành phố là cần thiết vì mạng lưới đường đô thị chủ yếu là đường nhỏ, hẹp mà xe buýt tiêu chuẩn (cỡ lớn) không ra vào được.

Đây là tồn tại từ nhiều năm nay, khiến mạng lưới xe buýt không thể tiếp cận được một lượng lớn hành khách có nhu cầu sử dụng. Trong khi đó, xe buýt mini dễ dàng tiếp cận những con đường nhỏ để đưa khách đến các trục giao thông có xe buýt lớn, xe buýt nhanh, metro.

Cũng theo ông Tuấn, TP.HCM có hơn 10 triệu dân, nhu cầu đi lại lớn, trung bình mỗi người đi lại 3 chuyến/ngày, tương ứng mỗi ngày thành phố đảm nhiệm 30 triệu chuyến đi. Trong khi đó, xe buýt hiện mới đáp ứng 1 triệu chuyến/ngày.

TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025 giao thông công cộng sẽ đáp ứng 15% nhu cầu của người, năm 2030 là 30% nên số lượng xe buýt phải tăng gấp 3, 4 lần so với hiện tại. "Nếu chỉ tăng xe buýt cỡ lớn, ở các khu vực ít khách đi lại, xe chạy rỗng nhiều dẫn tới hiệu quả khai thác không cao, tốn kém ngân sách. Xe buýt mini ra đời sẽ có thêm sự lựa chọn đi lại cho người dân" - ông Tuấn nói.

Trước đó, TP.HCM thí điểm 3 tuyến xe buýt điện loại 12 chỗ do doanh nghiệp khai thác, giá vé 12.000 đồng mỗi lượt phục vụ khách tham quan, dân cư khu vực nội bộ. 

Thanh Mai (T/h)