Sự kiện

TP.Hồ Chí Minh: Số ca lây nhiễm Covid-19 có xu hướng giảm

Báo cáo sơ kết 7 ngày thực hiện Chỉ thị 16, TP.HCM đã nhận diện nhiều vấn đề phát sinh để nỗ lực xử lý.

Theo báo cáo sơ kết 7 ngày thực hiện Chỉ thị 16, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết: “Trung bình mỗi ngày Thành phố phát hiện 1.305 ca nhiễm mới, hầu hết trong khu phong tỏa, cách ly”.

TP.HCM đã thành lập sở chỉ huy với 16 thành viên, đứng đầu là Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong.

Tại cuộc họp, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM báo cáo: “Từ ngày 9/7 đến nay, thành phố phát sinh 9.736 ca nhiễm, trong đó có 1.794 ca phát hiện trong cộng đồng, 7.942 ca trong khu cách ly, phong tỏa. Mặc dù, số ca phát sinh tăng từng ngày nhưng số ca nhiễm phát hiện trong cộng đồng và bệnh viện có xu hướng giảm”.

Hiện nay, huyện Bình Chánh có số ca nhiễm phát sinh nhiều nhất, sau đó là quận Bình Tân, quận 8, TP.Thủ Đức… Các phường có ca dương tính phát sinh nhiều nhất là phường 13, quận 10 (43 ca); phường Hiệp Tân, quận Tân Phú (41 ca); phường 7, quận 8 (41 ca)…

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc sở Công Thương TP.HCM cho hay: “Trước khi thực hiện Chỉ thị 16, người dân TP.HCM cần 7.000 tấn lương thực thực phẩm mỗi ngày. Khi 3 chợ đầu mối tạm ngưng hoạt động thì việc cung ứng gặp khó khăn, sản lượng sụt giảm 50%”.

Hiện tại, các siêu thị, doanh nghiệp bình ổn đang cố gắng nâng quy mô, năng lực cung ứng, nhưng so với nhu cầu của người dân thì thiếu hụt khoảng 1.000 tấn/ngày là rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống...

Từ 1/7, TP.HCM huy động thêm các kênh khác như doanh nghiệp logistics, thương mại nhưng lượng hàng vẫn có sự thiếu hụt nhất định do khó khăn về luân chuyển, giao thông, chi phí gia tăng, tâm lý người dân do các tin đồn lan truyền.

Sở Công Thương đã phối hợp TP.Thủ Đức và huyện Hóc Môn nhằm tìm ra giải pháp khai thác các khu vực gần chợ đầu mối để làm các địa điểm trung chuyển hàng hóa. Đến nay đã đưa vào hoạt động được 3 ngày, tiếp nhận 100 tấn rau củ quả ở các địa phương đổ về.

Phát huy vai trò của các thương lái ở chợ đầu mối, tiếp tục thực hiện thông qua giao hàng trực tuyến, giao hàng qua điện thoại để đưa hàng về TP.HCM.

Đồng thời, sở Công Thương sẽ làm việc với các quận, huyện để đánh giá việc mở lại chợ truyền thống đủ điều kiện phòng chống dịch.

Trưởng ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM Hứa Quốc Hưng cho biết, khi thực hiện Chỉ thị 16, nhiều doanh nghiệp đã giảm quy mô sản xuất. Cụ thể, 171 doanh nghiệp đang dừng sản xuất trong 2 tuần.

Khi có thông báo áp dụng nguyên tắc “3 tại chỗ”, đã có 529 doanh nghiệp đăng ký với quy mô khoảng 95.000 công nhân. Nhưng sau khi phê duyệt, chỉ có 289 doanh nghiệp đủ điều kiện triển khai cho 42.000 công nhân.

“Nhìn chung, các doanh nghiệp tương đối chấp hành quyết định của UBND TP.HCM để vừa sản xuất vừa chống dịch. Tuy nhiên, do thời gian cận kề nên nhiều nơi chưa kịp chuẩn bị lều bạt, mùng mền, chăn gối cho công nhân”, ông Hưng nói.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo: “Do tình hình cấp bách nên chúng ta thông báo phải áp dụng từ 0h ngày 15/7, nhưng nếu doanh nghiệp sau ngày này đã chuẩn bị kịp thì vẫn được xem xét cho hoạt động”.