Sự kiện

TP.HCM: Vì sao không thiếu tiền nhưng chống ngập vẫn nan giải?

Được đưa vào chương trình giám sát của HĐND TP.HCM, vấn đề chống ngập nước vẫn luôn là thách thức với chính quyền thành phố. Theo đó, dù không thiếu tiền hay cách thức để huy động nguồn vốn, nhưng hiệu quả chống ngập vẫn chưa đạt yêu cầu.

Phải chỉ ra ai phải chịu trách nhiệm

Chiều 12/7, kỳ họp lần thứ 15 khoá IX của HĐND TP.HCM đã thảo luận về chương trình giám sát chống ngập với nhiều ý kiến được các đại biểu ghi nhận từ thực tế, từ phản ánh của người dân.

Theo báo cáo, TP.HCM đã hoàn thành 5 tuyến để giải quyết ngập do triều, đạt hơn 55% so với chỉ tiêu trong giai đoạn 2016 - 2020, hoàn thành 22 tuyến để giải quyết ngập do mưa, riêng các tuyến hẻm đã hoàn thành 151 tuyến.

Tuy nhiên, thành phố vẫn chưa có được nguồn cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh cập nhật cao độ hiện trạng. Thậm chí, dù cơ bản giảm ngập ở khu vực trung tâm nhưng số điểm ngập trên toàn TP.HCM lại có dấu hiệu tăng lên.

Vấn đề chống ngập được mổ xẻ tại nghị trường HĐND TP.HCM.

Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm đánh giá: “Các công trình chống ngập hiện nay có hiệu quả chưa cao và công tác triển khai còn khá chậm. Từ nay đến năm 2020 là thời gian rất ngắn, liệu chính quyền thành phố có đạt được kế hoạch đã đề ra cho công tác chống ngập hay không? Quan trọng là phải có giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án chống ngập”.

Bà Tố Trâm còn chỉ ra, nhiều sông rạch trên địa bàn bị lấn chiếm, thu hẹp hay thậm chí biến mất như ở khu vực phường Thảo Điền, quận 2 hay khu dân cư Nam Long của quận 7.

Còn đại biểu Nguyễn Văn Đạt bày tỏ lo lắng khi việc triển khai nhiều chương trình và kế hoạch lớn nhưng hiệu quả vẫn chưa được giám sát chặt chẽ.

“Như ở quận 12, tuyến đường Nguyễn Văn Quá tuy đã làm cống nhưng hệ thống kênh rạch vẫn chưa được khơi thông nên tình trạng ngập nước cứ tái diễn khiến người dân bức xúc. Tuyến đường Đỗ Xuân Hợp tại quận 9 cũng có tình trạng tương tự”, ông Đạt bày tỏ.

“Chúng ta nên rà lại hơn 2.900 tuyến kênh rạch trên địa bàn thành phố và tiếp tục phân cấp cho các quận, huyện quản lý kênh rạch. Từ đó, công tác duy tu, nạo vét khơi thông dòng chảy sẽ được chính quyền các quận, huyện chủ động hơn trong khi chờ các dự án lớn của TP hoàn thành”, ông Đạt nhấn mạnh.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, nguyên nhân dẫn đến hiệu quả công tác chống ngập còn thấp là do chưa chỉ ra được trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, đơn vị, địa phương còn nhiều hạn chế tồn tại.

“Hiệu quả chống ngập còn thấp, nhân dân còn bức xúc là điều quá rõ ràng. Nhưng quan trọng là trách nhiệm thuộc về ai? Chúng ta không nên tiếp tục né tránh mà phải chỉ ra được trách nhiệm của ai để đưa ra giải pháp khắc phục”, bà Quyết Tâm nói.

Tiền nhiều vẫn chưa hiệu quả

Đại biểu Phạm Đức Hải, Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM khẳng định: “Chính quyền TP không thiếu tiền để chống ngập nhưng nhiều dự án vẫn chậm tiến độ. Trong đó, nguyên nhân cốt lõi là sự thiếu đồng bộ trong quản lý, điều hành của nhiều cơ quan, ban ngành”.

Vì thế, vị Phó Chủ tịch HĐND TP yêu cầu làm rõ các vấn đề như trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc làm chậm tiến độ và không hiệu quả trong công tác chống ngập. Về hiệu quả đầu tư, ông Hải cũng yêu cầu UBND TP báo cáo đầy đủ hơn về nguồn lực, các quản lý điều hành và phương án cải thiện.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan.

Phản hồi các ý kiến của các đại biểu, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan giải thích: “Chống ngập là bài toán rất nan giải. Cứ mỗi khi có những cơn mưa lớn kéo dài cùng với triều cường không ngừng dâng cao đã khiến mặt đất lún, khiến chính quyền TP chịu nhiều áp lực lớn. Nhưng nếu vấn đề này không được giải quyết sẽ tác động tiêu cực đến đời sống của người dân, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư".

Lãnh đạo TP.HCM thẳng thắn thừa nhận, công tác chống ngập còn vướng mắc nhiều yếu tố thử thách. Lượng nước mưa của TP cao nhất trong vòng 40 năm trở lại đây với tần suất đỉnh triều cao xuất hiện nhiều và cao hơn trước rất nhiều. Cùng với đó, tình trạng sụt lún đã xuất hiện, nặng nhất là 67mm.

Ông Võ Văn Hoan còn nhận xét, gần đây, tình trạng ngập nước ở thành phố không còn diễn ra triền miên như trước. Đây là những hiệu quả bước đầu khi triển khai đồng bộ các giải pháp. Tuy nhiên, người dân còn phàn nàn thì vẫn phải cố gắng xử lý. Trong đó, quá trình triển khai các biện pháp phải nghiên cứu kỹ để không gây ảnh hưởng đến người dân.

Các đại biểu cho ý kiến thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề về chống ngập cho thành phố.

Trong thời gian tới, TP sẽ rà soát lại quy hoạch, xây dựng chuẩn cốt nền. Đồng thời, việc đánh giá khảo sát lại, xác định chức năng của từng sông, kênh rạch và phân cấp ủy quyền cho địa phương quản lý sông, kênh rạch cũng sẽ là giải pháp được triển khai.

Liên quan đến nguồn vốn, ông Võ Văn Hoan cho biết, nguồn vốn chống ngập giai đoạn 2016-2020 cần hơn 96.327 tỷ đồng. Cụ thể, nguồn ngân sách đáp ứng hơn 6.356 tỷ, chưa được 10% nên cần phải huy động các nguồn vốn khác.

UBND TP đang tính toán về phương án thanh toán quỹ đất công dọc 2 bờ kênh cho nhà đầu tư để giải phóng mặt bằng, xây dựng bờ kè, đường giao thông.