Chính sách

Tp.HCM tiếp tục đề xuất được sử dụng xe buýt cỡ nhỏ

Trong đề xuất bổ sung 12 tuyến xe buýt mới, Sở GTVT Tp.HCM đề xuất 4 tuyến xe buýt nhỏ phù hợp với đặc thù đường giao thông nhỏ hẹp, giúp người dân dễ tiếp cận hơn.

Đầu tháng 6/2022, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Tp.HCM tiếp tục tham mưu UBND thành phố kiến nghị Bộ GTVT và Chính phủ cho phép thành phố được triển khai xe buýt nhỏ dưới 17 chỗ ngồi. Đây là lần thứ ba trong 3 năm qua, thành phố có đề nghị này.

Cụ thể, trong đề xuất bổ sung 12 tuyến xe buýt mới, Sở GTVT Tp.HCM đề xuất 4 tuyến xe buýt nhỏ gồm 2 tuyến nối ga tàu thủy Bình An (Tp.Thủ Đức) đến bến xe buýt Sài Gòn (quận 1) và đường Liên Phường (Tp.Thủ Đức), 2 tuyến còn lại nối huyện Bình Chánh và quận 7 gồm khu dân cư ấp 5 Phong Phú - UBND quận 7 và khu dân cư T30 - Trường đại học Marketing.

Trên địa bàn Tp.HCM hiện có hơn 2.300 xe buýt phân bố trên 137 tuyến, đa số là loại xe buýt cỡ lớn với sức chứa 41-60 hành khách, chỉ chạy được ở những tuyến đường rộng từ 10m trở lên. Ảnh minh họa.

Việc bổ sung xe buýt nhỏ là để phù hợp với đặc thù đường giao thông thành phố. Buýt nhỏ có thể chạy trên các tuyến đường có chiều rộng nhỏ hẹp để kết nối đến các khu đô thị mới, khu công nghiệp, đầu mối giao thông. Xe buýt nhỏ cũng góp phần tăng mật độ mạng lưới xe buýt trên địa bàn, giảm ùn tắc giao thông và xây dựng văn minh đô thị.

Sở dĩ ngành giao thông Tp.HCM kiên trì đề xuất mô hình xe buýt nhỏ dưới 17 chỗ ngồi bởi theo thống kê, thành phố có tới 3.450/hơn 5.000 tuyến đường có chiều rộng mặt cắt ngang chưa tới 7m; 85% dân số sống trong các hẻm nhỏ, khu dân cư đông đúc… Muốn thu hút số người này đi xe buýt thì chỉ có thể dùng xe buýt nhỏ chạy len lỏi trong ngõ hẻm, đường hẹp gom khách ra xe buýt lớn ở đường to.

Đề xuất trên càng có cơ sở khi mạng lưới xe buýt của thành phố chỉ đạt 1km/km2, thấp hơn rất nhiều so với quy chuẩn là 2,5km/km2. Toàn thành phố hiện có hơn 2.300 xe buýt phân bố trên 137 tuyến, đa số là loại xe buýt cỡ lớn với sức chứa 41-60 hành khách, chỉ chạy được ở những tuyến đường rộng từ 10m trở lên.

Tuy nhiên, trong những lần đề xuất, Bộ GTVT đều không chấp thuận với lý do đề xuất không phù hợp với quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008, Nghị định số 10/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, Thông tư số 12/2020 của Bộ GTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

Theo các căn cứ nêu trên, phương tiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt thì phải có sức chứa từ 17 chỗ trở lên. Xe buýt từ 12 đến 17 chỗ chỉ có thể hoạt động trên lộ trình có cầu tải trọng từ 5 tấn trở xuống hoặc trên 50% lộ trình tuyến là đường từ cấp IV trở xuống (hoặc đường bộ đô thị có mặt cắt ngang từ 7m trở xuống). Nếu xét theo các quy định này, đề xuất sử dụng xe buýt nhỏ của Tp.HCM là không có căn cứ, chỉ có thể thực hiện thí điểm.

Xe buýt điện còn tồn tại những hạn chế. Ảnh: SGGP

Thực tế, từ tháng 5/2021, Tp.HCM đã cho thí điểm những tuyến xe buýt nhỏ tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7) và một số điểm du lịch ở huyện Cần Giờ. Thời gian thí điểm trong vòng 2 năm hoặc đến khi có quy định mới. Xe chạy trên những tuyến này là xe điện khoang hở, chở được tối đa 12 người, vé 12.000 đồng/lượt. Tuy nhiên, thực tế phát sinh nhiều vấn đề như xe điện không có điểm đón khách nổi bật nên nhiều hành khách không rõ giờ chạy xe. Thiết kế xe hở như xe trong khu du lịch nên mưa là khách ướt hết hoặc bị xe khác đi bên cạnh bắn nước lên. Vì vậy, chưa có nhiều người đi.

Ông Huỳnh Hữu Trọng, ngụ tại đường Võ Văn Tần, quận 3 nhận xét về xe buýt nhỏ ở Cần Giờ: “Tôi nghĩ mẫu xe điện đó chỉ phù hợp đưa khách du lịch trong vùng hạn chế, quãng đường ngắn, chứ ra đường trường đua chen cùng các xe khác, khách hứng khói bụi, sẽ ít người đi”. 

Nhiều người cho rằng nếu các mẫu xe buýt nhỏ mui kín khắc phục được những nhược điểm trên sẽ thu hút người dân sử dụng nhiều hơn. “Khu dân cư tôi ở vuông vức, mỗi chiều khoảng 2km, ở giữa có hệ thống đường bàn cờ. Xe buýt cỡ lớn của thành phố chỉ vào trục chính đón khách. Nếu có xe buýt nhỏ gom khách từ các đường nhánh, tôi tin sẽ có nhiều người đi hơn. Hiện, xe buýt lớn vẫn chạy rỗng nhiều, còn người dân vẫn đi lại bằng xe máy”, anh Vương Vũ Chính, ngụ tại khu phố 6, phường Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức, nói.

Trước đó, năm 2020, UBND Tp.HCM từng kiến nghị mở 6 tuyến buýt dưới 17 chỗ, không trợ giá, đi qua các khu đô thị mới, đầu mối giao thông, giá vé 10.000-40.000 đồng. Tuy nhiên, Bộ GTVT phản hồi đề xuất không phù hợp quy định.

Ở góc độ nhà chuyên môn, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch Tp.Hồ Chí Minh nhận xét, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư thí điểm xe buýt nhỏ. Nếu thành phố được thử nghiệm với các điều kiện sát thực tế hơn sẽ cho kết quả rõ ràng hơn trước khi nhân rộng mô hình xe buýt nhỏ ở nội đô.

Minh Hoa (t/h theo Tuổi Trẻ Online, Hà Nội mới)