Tiêu dùng & Dư luận

Tp.HCM thúc đẩy khôi phục sản xuất để bình ổn thị trường

Trước tình trạng giá cả có dấu hiệu tăng trong thời gian qua, Sở Công Thương Tp.HCM đưa ra giải pháp thúc đẩy hoạt động sản xuất để tăng nguồn hàng hóa.

Chiều 18/11, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Tp.HCM họp báo về tình hình phòng chống dịch của địa phương. Tại đây, đại diện Sở Công Thương Tp.HCM cho biết về hoạt động kinh doanh đồ uống có cồn, biến động giá cả,…

Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, ngày 16/11 UBND Tp.HCM ban hành văn bản cho tổ chức điểm kinh doanh tại chỗ cho bán đồ uống có cồn tại quán ăn trên địa bàn Thành phố này và được phân ra ở các cấp độ. Công văn này đã rút kinh nghiệm từ việc thí điểm bán đồ uống có cồn tại quận 7 và Tp.Thủ Đức trước đó

Ở cấp độ 1 và 2, cơ sở kinh doanh được bán đồ uống có cồn tại chỗ; ở cấp độ 3 được bán 50%; ở cấp độ 4 thì không được phép bán. Công tác kiểm tra, giám sát sẽ do các quận, huyện, Tp.Thủ Đức thực hiện với thời gian thí điểm từ ngày 16/11.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM tại họp báo.

Liên quan đến giá các mặt hàng lương thực thực phẩm, tiêu dùng tăng trong thời gian qua, lãnh đạo Sở Công Thương Tp.HCM nhận định, đối với các mặt hàng lương thực thực phẩm, đánh giá của Sở là tình hình tại các siêu thị nhìn chung ổn định. Tuy nhiên, có một số mặt hàng tăng giá như dầu, đường, xăng dầu, gas…

“Tình hình giá đã có sự biến động trên toàn thế giới, kéo theo sự tăng giá của các mặt hàng này. Bên cạnh đó, cũng có những nguyên nhân khác như chi phí vận chuyển, chi phí phòng chống dịch tăng”, bà Ngọc nhận định.

Trên cơ sở đó, để bình ổn giá, thực hiện các giải pháp trong thời gian tới, Sở Công Thương có những chương trình để thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa. Hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn Tp.HCM đã bắt đầu tổ chức sản xuất trở lại. Đây là một trong những giải pháp nhằm cung cấp đầy đủ hàng hóa cho thị trường, kéo theo sự ổn định về giá cả.

Ngoài ra, từ nay đến cuối năm, Sở Công Thương TP.HCM sẽ đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi, kết nối hàng hóa giữa Tp.HCM và các tỉnh thành cùng với các chương trình bình ổn giá.

Đặc biệt, Sở Công Thương Tp.HCM sẽ có kiến nghị Bộ Công Thương sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu để kéo theo giá cả các mặt hàng ổn định trong tình hình bình thường mới.

Cũng theo bà Ngọc, hiện nay đã có 177/234 chợ truyền thống tổ chức hoạt động trở lại trên địa bàn Tp.HCM. Trong đó, quận 7 và huyện Nhà Bè có số chợ hoạt động trở lại ít, đang từng bước thí điểm mở cửa hoạt động trở lại. Từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12/2021, các quận huyện cũng đã có phương án mở lại các chợ khác trong điều kiện an toàn mới.

“Với hoạt động trong thời gian qua, với mục tiêu đảm bảo an toàn phòng chống dịch, cũng như đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa cho người dân trên địa bàn Tp.HCM, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các quận huyện để mở cửa trở lại các chợ truyền thống trong thời gian sớm nhất”, bà Ngọc nói.