Dòng chảy pháp luật

Tp.HCM: Số lượng án tạm đình chỉ vẫn còn nhiều

Theo báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND Tp.HCM, số lượng án tạm đình chỉ đã đưa ra giải quyết trong 6 tháng đầu năm còn thấp, chỉ 313 vụ được giải quyết.

Tại kỳ họp thứ 6 HĐND Tp.HCM khóa X diễn ra từ 6 – 8/7, Ban Pháp chế HĐND Tp.HCM đã có báo cáo thẩm tra về tình hình 6 tháng đầu năm 2022 đối với VKSND và TAND Tp.HCM.

Ban Pháp chế HĐND Tp.HCM đánh giá, cơ quan tư pháp đã có nhiều nỗ lực khắc phục khó khăn nhằm thực hiện nhiệm vụ được giao trong công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và xử lý vi phạm hành chính cơ bản được thực hiện đúng quy định của pháp luật, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Tp.HCM.

Tuy nhiên, tỷ lệ giải quyết tin báo của cơ quan điều tra chỉ đạt 64,54%, giảm 3,02% so với cùng kỳ năm 2021 (trong khi chỉ tiêu là 90%).

Tỷ lệ giải quyết án của cơ quan điều tra đạt 55,5% (chỉ tiêu năm 75%), giảm 2,77% so với cùng kỳ. Thế nhưng tỷ lệ án trả điều tra bổ sung giữa các cơ quan tố tụng là 15,4% (tăng 6,1% so với cùng kỳ).

Công tác giải quyết, xét xử các loại án của tòa án hai cấp Tp.HCM đạt 36,51%, giảm 3,07% so với cùng kỳ năm 2021, chưa đạt chỉ tiêu, đặc biệt một số loại án tỷ lệ giải quyết rất thấp.

Cụ thể, vụ việc dân sự giải quyết chỉ đạt 16,45% (chỉ tiêu 85%), án kinh doanh thương mại giải quyết đạt 16,64% (chỉ tiêu 85%), án lao động giải quyết đạt 23,5% (chỉ tiêu 85%), án hành chính giải quyết đạt 17,07% (chỉ tiêu 65%).

HĐND Tp.HCM khóa X tiến hành thẩm tra, đánh giá công tác của TAND Tp.HCM và VKSND Tp.HCM tại kỳ họp thứ 6 từ ngày 6 - 8/7.

HĐND Tp.HCM cho rằng, chất lượng giải quyết án được nâng lên nhưng vẫn còn án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán. Trong đó, có 63 trường hợp hủy án (chiếm tỉ lệ 0,40%) và 249 trường hợp án bị sửa (chiếm tỉ lệ 0,53%) trên tổng số án đã giải quyết sơ thẩm là 15.777 vụ việc.

Mặc dù tòa án 2 cấp đã có các giải pháp tích cực nhưng số lượng án tạm đình chỉ vẫn còn nhiều. Số lượng án tạm đình chỉ đã đưa ra giải quyết trong sáu tháng đầu năm còn thấp, chỉ 313 vụ được giải quyết, một số vụ việc kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm.

Theo báo cáo của Cục Thi hành án dân sự Tp.HCM, một số trường hợp bản án, quyết định của tòa án tuyên không rõ, có sai sót, gây khó khăn trong công tác thi hành án. Hiện còn 62 trường hợp bản án, quyết định cần sửa chữa, bổ sung, giải thích nên chưa thể thi hành được.

Từ đó, Ban Pháp chế HĐND Tp.HCM kiến nghị VKSND Tp.HCM tập trung khắc phục những hạn chế, thiếu sót; tăng cường trách nhiệm trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ của Quốc hội và của ngành giao, cần chủ động kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; nâng cao chất lượng kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm, hạn chế thấp nhất các vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.

Đối với TAND Tp.HCM, Ban Pháp chế HĐND Tp.HCM kiến nghị cần tập trung thực hiện các giải pháp đột phá, đẩy nhanh tiến độ giải quyết, nâng cao chất lượng xét xử các loại án, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu được giao; hạn chế đến mức thấp nhất án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan.

TAND Tp.HCM cần quan tâm phối hợp xây dựng quy chế liên ngành ở Tp.HCM và quận, huyện để giải quyết những vướng mắc liên quan đến án tạm đình chỉ, nhất là án dân sự, án hành chính để kéo dài nhiều năm, gây bức xúc trong dư luận.

Đồng thời, TAND Tp.HCM cần tập trung xây dựng cơ chế theo dõi, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thường xuyên kiểm tra, trả lời các kiến nghị, phản ánh của viện kiểm sát, cơ quan dân cử liên quan đến hoạt động của tòa án theo đúng quy định của pháp luật.

Ban pháp chế HĐND Tp.HCM cũng kiến nghị TAND Tp.HCM phối hợp chặt chẽ với Cục Thi hành án dân sự rà soát, khắc phục các bản án, quyết định của tòa án tuyên không rõ, có sai sót gây khó khăn trong công tác thi hành án. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để giảm áp lực giải quyết án và hồ sơ vụ việc.