Sự kiện

TP.HCM siết chặt các khu phong toả, ngăn F0 lan rộng

Thực tế cho thấy, đã có sự lây lan, làm số F0 tăng lên nhiều lần so với F0 có trong khu phong tỏa khi vừa được phát hiện.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại TP.HCM, số ca dương tính với Covid-19 tăng trong thời gian gần đây chủ yếu trong các khu phong tỏa, TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo tăng cường các biện pháp quản lý đối với các khu phong tỏa trên địa bàn, do Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ký.

Đánh giá về tình hình dịch bệnh trên địa bàn, người đứng đầu chính quyền thành phố này cho biết: “Tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, số ca nhiễm vẫn ở mức cao, đa số các ca nhiễm mới tại các khu phong tỏa. Từ đó cho thấy, việc quản lý tại các khu phong tỏa còn chưa chặt chẽ, hiệu quả.

Một đối tượng leo bờ rào trốn khỏi khu phong toả (Ảnh: Bà H. cung cấp).

Thực tế cho thấy, đã có sự lây lan trong khu phong tỏa, làm số F0 không tăng lên nhiều lần so với F0 có sẵn trong khu phong tỏa khi vừa được phát hiện”.

Chia sẻ về vấn đề này, bà L.K.H (ngụ phường An Phú Đông, quận 12) cho biết: “Trong khu phong tỏa gần chúng tôi ở, có một khoảng đất trống, lợi dụng vào đó, một số người trong khu phong tỏa ngang nhiên leo bờ rào (gần nhà tôi) để đi ra ngoài. Một số người đi ra ngoài luôn, một số quay trở lại nên hết sức nguy hiểm.

“Về tình trạng này, khi chúng tôi báo lên phường, đã có chấn chỉnh. Tuy nhiên có thể thấy, tình trạng lỏng lẻo trong khu phong toả đặt ra vấn đề là phải quản lý chặt hơn, tránh trường hợp lây lan mầm bệnh đến các nơi khác”, bà H. chia sẻ thêm.

Trước thực trạng này, TP.HCM cũng đánh giá, việc siết chặt công tác quản lý ở các khu phong tỏa và xem đây là một trong những giải pháp để hạn chế lây lan của dịch bệnh.

Theo đó, thành phố chỉ đạo các quận/huyện, TP.Thủ Đức xác định phạm vi phong tỏa phù hợp. Không quá hẹp để bỏ sót trường hợp F0, F1, nhưng cũng không quá rộng ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân.

Hiện, trên địa bàn TP.HCM có khoảng 3.600 khu vực bị phong toả. (Ảnh: HCDC).

Việc xác định phạm vi phong tỏa sẽ dựa vào số F0 được phát hiện ngay trước lúc phong tỏa và vị trí sinh sống cùng với mức độ giao lưu tiếp xúc của F0 này: môi trường sống, tình trạng nhà ở, mức độ tập trung và giao tiếp của người dân trong khu vực…

Đồng thời, nhanh chóng “làm sạch, làm xanh” khu phong tỏa bằng xét nghiệm (test nhanh trước, PCR sau) ngay sau khi xác định phạm vi phong tỏa và đưa những người có nguy cơ cao (F0, F1 phát hiện thêm) đến các cơ sở cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà nếu đảm bảo các yêu cầu và quy định.

Đẩy mạnh tiếp nhận thông tin từ khu phong tỏa để kịp thời lấy mẫu cho người dân có triệu chứng, bệnh lý nền hoặc yếu tố dịch tễ tiếp xúc F0.

Việc siết chặt công tác quản lý ở các khu phong tỏa được xem là một trong những giải pháp để hạn chế lây lan của dịch bệnh. (Ảnh: HCDC).

Chính quyền địa phương cần thu thập thông tin, đánh giá nguy cơ, tiến hành xét nghiệm để tiến tới giải tỏa khu phong tỏa theo nguyên tắc từng phần, từ khu vực ít nguy cơ đến nguy cơ vừa và sau cùng là nguy cơ rất cao.

Khu vực được giải tỏa nhưng các hộ gia đình thuộc diện giám sát (có F1 cách ly tại nhà, F0 điều trị tại nhà…) vẫn tiếp tục thực hiện giám sát theo quy định.

Các địa phương cần phổ biến, cung cấp đầy đủ thông tin theo hướng dẫn của TP.HCM và các số điện thoại liên hệ khi cần hỗ trợ đến từng hộ gia đình.

Thành lập Tổ quản lý để tiếp nhận thông tin, tình hình sức khỏe, ý kiến phản ánh của người dân và báo cho ban Chỉ đạo phòng chống dịch địa phương, Tổ phản ứng nhanh tại địa phương để xem xét, giải quyết, hỗ trợ kịp thời.

Mặt khác, tổ chức “đi chợ thay”, tiếp nhận nhu yếu phẩm thiết yếu được hỗ trợ và chuyển đến các hộ gia đình, tuyệt đối không để người dân ra ngoài nhận trực tiếp.