Sự kiện

TP.HCM: Sáng 1/8 có thêm 2.027 ca nhiễm Covid-19, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng

Tình hình dịch bệnh tại TP.HCM đã có những chuyển biến tích cực sau hơn 3 tuần thực hiện Chỉ thị 16. Thành phố đang đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng.

Số ca nhiễm Covid-19 giảm, đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng

Theo công bố của trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, tính từ 19h ngày 31/7 đến 6h sáng 1/8, TP.HCM ghi nhận thêm 2.027 trường hợp nhiễm mới (đã được Bộ Y tế công bố vào sáng ngày 1/8).

Tình đến nay, trong đợt dịch thứ 4 (bắt đầu từ ngày 27/4), TP.HCM đã có hơn 92.200 trường hợp mắc COVID-19.

Hiện, TP.HCM đang thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin, đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng.

Tất cả các đối tượng sau khi tiêm cần tiếp tục theo sức khỏe trong 28 ngày, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu. Chú ý các dấu hiệu: toàn trạng, tinh thần, ăn, ngủ, thở, phát ban, triệu chứng tại chỗ tiêm, không bôi đắp bất ký thứ gì lên vết tiêm và thông báo ngay cho nhân viên y tế nếu có dấu hiệu bất thường.

Đồng thời phải lưu giữ giấy xác nhận tiêm, ghi nhớ số điện thoại của bác sĩ theo dõi và cơ sở y tế cần liên hệ trong trường hợp khẩn cấp. Tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo 5K.

Sau hơn 3 tuần thực hiện Chỉ thị 16 và tăng cường một số biện pháp, tình hình dịch bệnh tại TP.HCM đã có những chuyển biến tích cực. Để tiếp tục kéo giảm số ca mắc, tập trung điều trị và hạn chế số ca tử vong, TP.HCM cần tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 thêm một thời gian.

Thành phố kêu gọi sự ủng hộ và chung sức của người dân trong việc thực hiện các biện pháp để kiểm soát, khống chế dịch bệnh. Đảm bảo nguyên tắc “nhà cách ly với nhà, người cách ly với người”, chỉ ra khỏi nhà khi thật sự cần thiết và luôn tuân thủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, quy định tại khu cách ly, khu phong tỏa. Chủ động chăm sóc và theo dõi sức khỏe để phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo.

TP.HCM đẩy mạnh tiến độ tiêm vắc xin.

Công điện của Thủ tướng Chính phủ

Trong ngày 31/7, Thủ tướng Chính phủ có công điện số 1063/CĐ-TTg về phòng chống dịch COVID-19.

Theo đó, thực hiện lời kêu gọi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ:

1. Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt, thực chất, hiệu quả các biện pháp cụ thể phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã ban hành trong thời gian qua.

2. Các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg phải thực hiện nghiêm, nhất quán theo phương châm chỉ có thể thực hiện cao hơn, sớm hơn phù hợp theo tình hình thực tiễn tại địa phương.

Tuyên truyền rộng rãi, kiểm soát nghiêm ngặt và thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế để người dân an tâm "ai ở đâu ở đấy". Tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi nơi cư trú từ sau ngày 31/7/2021 tới khi hết giãn cách (trừ những người được chính quyền cho phép).

Lãnh đạo tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để người dân tự ý di chuyển ra khỏi địa phương mình. Đối với người dân đã rời khỏi tỉnh xuất phát đến địa bàn tỉnh khác thì các tỉnh liên quan phải tổ chức đón, đưa về địa phương đích đến bảo đảm an toàn. 

Tổ chức xét nghiệm, vận chuyển bằng xe ca (có thể bố trí xe tải chở theo xe gắn máy của người dân nếu người dân di chuyển bằng xe gắn máy). Thực hiện bàn giao đầy đủ, tổ chức cách ly, giám sát y tế theo đúng quy định, không để dịch bệnh lây lan.

Bộ Công an chỉ đạo công an tỉnh, thành phố tham mưu cho UBND tỉnh và tổ chức đưa đón người dân.

Tổ chức tốt hệ thống, mạng lưới chăm sóc, điều trị người bị nhiễm SARS-CoV-2 theo các tầng điều trị; tập trung và ưu tiên năng lực, nâng cao chất lượng điều trị, đặc biệt là đối với các bệnh nhân diễn tiến nặng, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong.

3. Tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 14 ngày (kể từ ngày kết thúc giãn cách xã hội theo công văn số 969/TTg-KGVX) đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 969/TTg-KGVX ngày 17/7/2021.

Những tỉnh sau một thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nếu đã kiểm soát được dịch bệnh có thể nới lỏng giãn cách theo từng khu vực trong nội bộ tỉnh. Đối với khu vực liên tỉnh thì phải có thỏa thuận, thống nhất với các tỉnh liên quan và phải báo cáo Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trước khi quyết định.

4. Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

Thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch bệnh, giữ vững thành quả chống dịch, không để dịch bệnh lây lan trên địa bàn đồng thời phối hợp, hỗ trợ, chi viện phù hợp cho TP.HCM và các địa phương đang có dịch diễn biến phức tạp.

Vận động, kêu gọi, kiểm soát người dân ở TP.HCM, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An và các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội không được rời địa bàn, tiếp tục ở lại theo tinh thần giãn cách "ai ở đâu ở đấy".

Tổ chức hỗ trợ cung cấp ngay, đủ lương thực, thực phẩm cho tất cả những người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ. Không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc. Tổ chức hỗ trợ y tế cần thiết cho mọi người dân. Hỗ trợ người dân tỉnh mình đang ở TP.HCM và các tỉnh đang có dịch diễn biến phức tạp, có số lượng ca mắc lớn.

Tổ chức tiêm vắc xin nhanh, đúng đối tượng, an toàn, hiệu quả, không để vắc xin hết hạn; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng xin cho, lựa chọn vắc xin, lợi dụng chức trách để tiêm cho người không đúng đối tượng và các tiêu cực khác trong việc tiêm vắc xin. Xử lý nghiêm, kịp thời theo pháp luật các trường hợp vi phạm. Người đứng đầu các cấp chính quyền chịu trách nhiệm trực tiếp về công tác phòng chống dịch bệnh, trong đó có việc tiêm vắc xin.

Tăng cường huy động đội ngũ cán bộ y tế (nhất là lực lượng hồi sức cấp cứu) không phân biệt công, tư tham gia công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Có biện pháp phù hợp để nâng cao chất lượng, số lượng bác sĩ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên. Sẵn sàng chi viện cho các địa phương dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, có số lượng ca mắc lớn như TP.HCM và một số địa phương phía Nam theo sự điều phối của Bộ Y tế.

Chú trọng chăm lo động viên tinh thần, đảm bảo phương tiện phòng hộ, hỗ trợ vật chất đối với lực lượng y tế và các lực lượng trực tiếp chống dịch. Có phương án sử dụng hợp lý lực lượng y tế, những nơi không nhất thiết cần nhân viên y tế thì hướng dẫn các lực lượng khác và nhân dân thực hiện.

Xây dựng kế hoạch và thực hiện mua sắm vật tư, thiết bị y tế; phương án đảm bảo sản xuất đời sống, an sinh xã hội, trật tự xã hội theo các kịch bản dịch bệnh; sẵn sàng cho tình huống dịch diễn biến xấu. Tuyệt đối không để tiêu cực trong mua sắm.

5. Bộ Y tế, Bộ Thông tin và truyền thông hướng dẫn, chỉ đạo công khai, minh bạch, kịp thời mọi thông tin về phòng, chống dịch để nhân dân biết, ủng hộ và tích cực tham gia, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Bộ Công an chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp đưa thông tin sai sự thật ảnh hưởng tiêu cực tới phòng chống dịch bệnh.

6. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thúc đẩy nhanh, hiệu quả theo quy trình rút gọn về hành chính việc sản xuất, cung ứng vắc xin, thuốc phục vụ phòng, chống dịch COVID-19; rà soát, đề xuất bổ sung chế độ, chính sách phù hợp đối với đội ngũ cán bộ y tế và các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch.

TP.HCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 thêm một thời gian.

Giảm tiền điện cho người dân vùng dịch

Cũng trong ngày 31/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đồng ý chủ trương giảm tiền điện cho người dân dùng điện sinh hoạt ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các quận huyện thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 tại thời điểm ngày 30/7. Theo đó, giảm 15% tiền điện (trước thuế VAT) trên hóa đơn tiền điện cho các khách hàng dùng điện dưới 200 kWh/tháng và giảm 10% tiền điện (trước thuế VAT) trên hóa đơn tiền điện cho các khách hàng dùng trên 200 kWh/tháng trong thời gian 2 tháng 8 và 9/2021.