Sự kiện

Tp.HCM: Quyết liệt triển khai các giải pháp giảm nguy cơ F0 tử vong

Tính từ ngày 1/10 tới nay, số ca từ vong tại Tp.HCM giảm dưới 100 ca/ngày. Tp.HCM đang triển khai nhiều giải pháp để giảm F0 tử vong.

Ngày 11/10, Sở Y tế Tp.HCM có công văn gửi Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19; Bệnh viện Điều trị Covid-19; Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19; Trung tâm y tế quận, huyện, Tp.Thủ Đức đề nghị các đơn vị triển khai thực hiện các chỉ đạo của Bộ Y tế về việc rà soát, củng cố công tác điều trị Covid-19, quyết liệt giảm F0 tử vong.

Theo đó, các trạm y tế, trạm y tế lưu động, thực hiện nghiêm việc đánh giá, phân loại nguy cơ F0, thu thập thông tin bệnh lý nền từ hộ gia đình; theo dõi chặt chỉ số SpO2 để đánh giá nguy cơ chuyển nặng và chuyển tuyến kịp thời.

Hướng dẫn các trường hợp F0 tại nhà dùng thuốc đúng chỉ định, đúng thời điểm. Theo dõi, giám sát điều kiện cách ly tại nhà và tình trạng chăm sóc, dinh dưỡng.

Các bệnh viện và trung tâm hồi sức tích cực Covid-19, đánh giá phân loại nguy cơ người bệnh, đồng thời đánh giá mức độ lâm sàng, tiến triển của bệnh để phân luồng người bệnh vào các khoa, buồng bệnh phù hợp với nguy cơ và tình trạng bệnh, thuận tiện cho việc theo dõi chăm sóc, điều trị và xử trí.

Rà soát công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, vệ sinh môi trường bề mặt, thông khí của toàn bộ các buồng bệnh, khu điều trị F0.

Xây dựng kế hoạch nhân lực, ca kíp trực, nhân viên y tế trực quá 8 tiếng/ngày. Trường hợp nhân lực y tế không đảm bảo, đề nghị báo cáo Sở Y tế để huy động nhân lực phù hợp.

Tổ chức giao ban định kỳ giữa các bệnh viện và trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 theo cụm được phân công.

Bệnh viện tư nhân không được từ chối F0 đến khám, điều trị

Cũng nằm trong mục tiêu quyết liệt giảm F0 tử vong, tại buổi họp báo định kỳ chiều 11/10, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế, cho biết Sở có văn bản hướng dẫn cơ chế tài chính của cơ sở y tế tư nhân điều trị Covid-19.

Theo đó, Ngân sách Nhà nước chi trả chi phí điều trị Covid-19 như tiền giường, dịch vụ kỹ thuật, thuốc, máu,… theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bệnh viện không được thu thêm tiền của người bệnh.

Cơ sở y tế tư nhân phải tổ chức khám bệnh cho người mắc Covid-19 theo đúng quy định, không được từ chối, không được yêu cầu người bệnh ký cam kết chi trả chi phí điều trị Covid-19. Chi phí tiện ích ngoài quy định thì được thu thêm nhưng phải đúng giá đã niêm yết.

Theo bà Mai, khi lực lượng chi viện của Bộ Y tế và các tỉnh thành rút, Tp.HCM sẽ tiếp nhận lại các trung tâm hồi sức Covid-19 thuộc Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế và triển khai mô hình “Bệnh viện Dã chiến 3 tầng”. 

Bên cạnh đó, các trung tâm hồi sức trên sẽ sáp nhập với Bệnh viện dã chiến số 13 (huyện Bình Chánh), 14 (quận Tân Phú), 16 (quận 7) trở thành các “Bệnh viện Dã chiến 3 tầng”.

Sở Y tế Tp.HCM sẽ điều động luân phiên nhân viên y tế bao gồm bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên từ các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thành phố, quận, huyện đến các “Bệnh viện Dã chiến 3 tầng”.

Các bệnh viện đảm trách trung tâm hồi sức sẽ chịu trách nhiệm đào tạo chuyên khoa hồi sức cấp cứu cho các y bác sĩ của các bệnh viện thành phố quận, huyện trong thời gian luân phiên công tác tại các bệnh viện này.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tp.HCM (HCDC), tính đến ngày 11/10, số ca F0 đang cách ly điều trị tại nhà là 17.839 người. Số ca đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung là 7.357 người. Số ca nhập viện tầng 2, 3 trong ngày là 906 người.

Hiện, tổng số ca đang điều trị tại bệnh viện tầng 2, 3 là 15.198 người. Số trẻ em dưới 16 tuổi nhiễm đang điều trị là 1.141 người. Số phụ nữ mang thai đang điều trị là 119 người. Số trường hợp xuất viện trong ngày là 1.925 người, số ca xuất viện cộng dồn là 232.923 người.

Tính đến 06h ngày 11/10, có 410.671 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại Tp.HCM được Bộ Y tế công bố, trong đó có 410.174 trường hợp nhiễm trong nước, 497 trường hợp nhập cảnh.