Sự kiện

TP.HCM: Kiểm soát dịch bệnh, dừng tổ chức hoạt động lễ hội, tôn giáo

Tính đến ngày 15/2, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.HCM là chùm ca bệnh liên quan sân bay Tân Sơn Nhất đã tương đối ổn định, cơ bản được kiểm soát.

Nỗ lực khoanh vùng, xét nghiệm triệt để

Chiều 15/2 (mùng 4 Tết), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến Thường trực Chính phủ, ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 với các địa phương.

Tại điểm cầu TP.HCM có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cùng các thành viên ban Chỉ đạo Thành phố phòng, chống dịch Covid-19.

Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, từ ngày 5/2 đến ngày 10/2, Thành phố này đã phát hiện 35 trường hợp mắc Covid-19 trong cộng đồng.

Bao gồm 9 nhân viên làm nhiệm vụ bốc xếp hàng hóa tại sân bay Tân Sơn Nhất và 26 người khác cũng có liên quan đến nhóm nhân viên bốc xếp của sân bay.

TP.HCM đã nỗ lực thực hiện xét nghiệm để khoanh vùng, kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.

Sau khi phát hiện trường hợp mắc Covid-19 tại bộ phận bốc xếp hàng hóa tại sân bay Tân Sơn Nhất, ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của TP.HCM đã chỉ đạo triển khai xét nghiệm tầm soát cho toàn bộ nhân viên làm việc trong sân bay.

“Qua tầm soát cho 8.130 người, phát hiện 8 trường hợp mắc Covid-19 là các nhân viên làm nhiệm vụ liên quan đến bốc xếp hàng hóa, trong đó có 7 người thuộc công ty dịch vụ mặt đất VIAGS và 1 người thuộc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam tham gia làm việc cùng đội quản lý sắp xếp hàng hóa của công ty VIAGS”, ông Phong cho hay.

Đánh giá nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh từ khu vực này, TP.HCM tiếp tục mở rộng xét nghiệm tầm soát cho 3.800 người nhà của nhân viên công ty VIAGS từ ngày 9/2.

Từ đó phát hiện thêm 2 trường hợp mắc bệnh là 1 người từng làm việc cho VIAGS (nghỉ việc vào ngày 1/2) và mẹ của người này.

Bên cạnh đó, trong quá trình điều tra, truy vết người tiếp xúc với các ca bệnh, ca nghi ngờ mắc bệnh trong nhóm nhân viên bốc xếp trên, ngành y tế phát hiện thêm 25 trường hợp mắc Covid-19 trong cộng đồng.

Nhằm kiểm soát chùm ca bệnh, TPHCM đã tổ chức nhiều biện pháp khẩn cấp. Cụ thể là khẩn trương điều tra truy vết người tiếp xúc, phong tỏa tạm thời 36 địa điểm có ổ dịch để tiêu độc khử trùng và điều tra, xét nghiệm tầm soát.

Đồng thời xét nghiệm kiểm tra trên 2946 F1, F2 của 35 ca bệnh và không phát hiện thêm người nhiễm bệnh.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chỉ ra: “Trong đợt đáp ứng khẩn cấp nhằm kiểm soát chùm ca bệnh liên quan đến sân bay Tân Sơn Nhất, chúng tôi đã thực hiện tổng cộng 39.122 mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Đến nay có thể nhận định ổ dịch tại địa phương đã được kiểm soát”.

Dừng hoạt động lễ hội, tôn giáo

Theo báo cáo của bộ Y tế, từ ngày 27/1 đến ngày 15/2, cả nước ghi nhận 637 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng ở 13 tỉnh thành.

Trong đó có 461 ca tại Hải Dương, 59 ca tại Quảng Ninh, 35 ca tại TP.HCM, 33 ca tại Hà Nội, 27 ca tại Gia Lai, 6 ca tại Bình Dương, 5 ca tại Bắc Ninh, 3 ca tại Điện Biên, 2 ca tại Bắc Giang, 2 ca Hưng Yên, 2 ca tại Hoà Bình, 1 ca tại Hải Phòng và 1 ca tại Hà Giang.

Nhận định chung, lãnh đạo bộ Y tế cho rằng, trong vòng 16 ngày vừa qua thì 12/13 địa phương đang có xu hướng giảm ca mắc trong ngày. Tuy nhiên, tình hình dịch tại tỉnh Hải Dương tương đối phức tạp.

Bộ Y tế kiến nghị tiếp tục thực hiện theo Chỉ thị 05 của Chính phủ, dừng tất cả các lễ hội, hoạt động tôn giáo tập trung đông người đối với các tỉnh thành có ca mắc Covid-19.

Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tất cả các địa phương yêu cầu các cấp cơ sở triển khai sử dụng phần mềm kiểm soát dịch bệnh mà bộ Y tế khuyến nghị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu dừng toàn bộ hoạt động lễ hội, tôn giáo để phòng chống dịch bệnh.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tinh thần, sự quyết tâm của ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia và các địa phương.

“Để người dân được đón Tết Nguyên đán yên vui, các địa phương đã có nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ và sáng tạo. Lãnh đạo ngành y tế đã trực tiếp đi nhiều địa phương để chỉ đạo, nhiều cán bộ làm việc xuyên Tết không nghỉ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khen ngợi.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi người dân trở lại làm việc sau Tết, Thủ tướng Chính phủ đề nghị, các địa phương tiếp tục áp dụng biện pháp phòng dịch mạnh mẽ hơn.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các địa phương đang có ca nhiễm cần có hành động cụ thể tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05, nghiêm túc chặt chẽ kịp thời như một số địa phương như TP.HCM, Quảng Ninh và Hà Nội đã chỉ đạo.

Thủ tướng cũng yêu cầu dừng các hoạt động lễ hội, các hoạt động tụ tập đông người.

Các tỉnh, thành tự quyết định thời gian cho học sinh quay trở lại trường học tùy theo tình hình tại địa phương.

Thực hiện nghiêm các yêu cầu về phòng chống dịch 5K, nhất là việc đeo khẩu trang nơi công cộng. Tăng cường kiểm tra và có chế tài xử lý nghiêm đối với các trường hợp không nghiêm chỉnh chấp hành quy định.

Lý giải chủng virus mới xuất hiện tại Việt Nam

Qua báo cáo của bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM về kết quả giải mã bộ gene chủng SARS-CoV-2 từ các ca bệnh ở tổ bốc xếp tại sân bay Tân Sơn Nhất, các chuyên gia nhận định, nhiều khả năng các ca này xuất phát từ một nguồn lây.

Chủng SARS-CoV-2 gây bệnh ở nhóm công nhân bốc xếp thuộc nhóm A.23.1 được phát hiện lần đầu tiên ở Rwanda, châu Phi vào khoảng cuối tuần thứ 3 của tháng 10/2020, không phải biến chủng có khả năng lây lan nhanh từ Anh (biến thể B.1.1.7).

Ngoài Rwanda, A.23.1 chỉ mới được phát hiện ở một số nước khác trên thế giới bao gồm Hoa Kỳ, các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Úc, Anh và Đan Mạch.

Tuy nhiên chưa ghi nhận những dấu hiệu diễn biến bất thường ở các quốc gia này. Đây là lần đầu tiên chủng A.23.1 được phát hiện gây bệnh trong cộng đồng ở Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung.