Dân sinh

Tp.HCM: Không nhận tiền chăm lo tro cốt người mất vì Covid-19

Trước việc một số đối tượng gợi ý đưa tiền để nhanh chóng nhận tro cốt người mất vì Covid-19, Bộ Tư lệnh Tp.HCM đã lên tiếng.

Chiều tối 18/9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Tp.HCM họp báo thường ngày để cập nhật tình hình phòng chống dịch trên địa bàn.

Tại đây, Thượng tá Nguyễn Thanh Phong, Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Tư lệnh Tp.HCM cho biết, hiện nay, có một số đối tượng, cơ sở mai táng gợi ý người thân của bệnh nhân qua đời vì Covid-19 nộp tiền để phối hợp lực lượng quân sự đưa tro cốt về sớm nhất.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tổ chức họp báo chiều tối 18/9.

Đại diện Bộ Tư lệnh Tp.HCM cho hay, trước những mất mát đau thương của các gia đình có người thân tử vong do Covid-19, được sự đồng ý từ Đảng ủy Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và nhiệm vụ được giao phó từ Thành ủy, UBND Tp.HCM, cán bộ chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh Tp.HCM sẽ tiếp nhận, lưu giữ, quản lý, hỏa táng và vận chuyển tro cốt người tử vong do Covid-19 về gia đình các trường hợp không may.

Đây là việc làm, là nghĩa cử cao đẹp, có ý nghĩa với người đã khuất và cả người đang sống, gia đình bệnh nhân Covid-19. Công tác chăm lo của Bộ Tư lệnh xuất phát từ mệnh lệnh trái tim người chiến sĩ.

“Do đó, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Tp.HCM đã quán triệt để cán bộ, chiến sĩ thực hiện nghiêm túc các quy trình. Có những lúc số người tử vong cao nên thời gian đưa đi xử lý hỏa táng còn chậm nhưng đến nay đã làm tốt hơn, thực hiện tương đối nhanh chóng”, Thượng tá Nguyễn Thanh Phong nói.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Tư lệnh Tp.HCM khẳng định “không có chuyện phối hợp với cơ sở mai táng nhận tiền người thân làm cho nhanh”.

“Tất cả mọi người đều được cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Tp.HCM tiếp nhận như người thân. Chúng tôi bố trí lịch sớm nhất đưa tro cốt những người này về gia đình, không có chuyện phối hợp nhận tiền, dù là “gửi lời cảm ơn” cũng không nhận”, Thượng tá Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh.

Vì vậy, Thượng tá Nguyễn Thanh Phong đề nghị người dân khi nhận được thông tin này cần bình tĩnh suy xét. Không nên để đối tượng xấu lợi dụng hình ảnh Bộ Tư lệnh Tp.HCM để trục lợi.

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng Tham mưu, Công an Tp.HCM tại cuộc họp.

Về công tác kiểm soát giao thông, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng Tham mưu, Công an Tp.HCM đã thông tin về việc phát hiện F0 di chuyển trên đường qua ứng dụng VNEID. Thống kê đến 16/9, Công an Tp.HCM phát hiện 135 trường hợp có cảnh báo F0 qua chốt, trạm kiểm soát.

Qua phát hiện cảnh báo, lực lượng công an tiến hành xác minh và xử lý. Cụ thể, 33 F0 đã khỏi bệnh; 102 trường hợp là F0 (26 trường hợp đang cách ly tập trung, còn lại cách ly tại nhà). 

Trong số 102 F0 đó, có 50 trường hợp được cấp giấy đi đường nên Công an Tp.HCM thu hồi 10 giấy, hủy bỏ 40 giấy.

Các trường hợp F0 không thuộc diện được cấp giấy đi đường nằm trong các nhóm lý do sau: Người đi cách ly, người đi tiêm ngừa, nhân viên y tế, đi khám bệnh từ bệnh viện về nhà,…

Đối với công tác kiểm soát người di chuyển tại quận 7, huyện Củ Chi, Cần Giờ, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, Công an Tp.HCM giao công an 3 địa phương này phối hợp tham mưu cho UBND quận, huyện cùng cấp để xây dựng kế hoạch mở lại một số hoạt động mà Tp.HCM cho phép.

Bên cạnh đó, Công an Tp.HCM chỉ đạo các đơn vị chủ động xây dựng phương án bố trí lại các chốt kiểm soát phù hợp với kế hoạch của UBND Tp.HCM và chỉ đạo tăng cường tuần tra kiểm soát, đảm bảo tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch với người lao động, nhân viên giao hàng.