Sự kiện

Tp.HCM: Huy động thêm nguồn lực chăm lo an sinh xã hội cho người dân

Trình bày trước cử tri, ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho biết, Tp.HCM đang tìm cách khôi phục sản xuất kinh doanh, tính toán để có thêm nguồn lực cho an sinh xã hội.

Ngày 6/10, Ủy ban MTTQVN quận 12, Tp.HCM tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri đối với Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Tp.HCM đơn vị 4.

Cử tri Nguyễn Hữu Nhơn, phường Thạnh Xuân cho rằng: “Trong thời gian giãn cách quá lâu, các gia đình thất nghiệp nên lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Vì thế, tôi kiến nghị nên giảm tiền điện, nước cho người dân, các khoản vay ngân hàng nên chậm trả lãi, ngưng trả góp để người dân, doanh nghiệp phục hồi kinh tế”.

Còn cử tri Trần Minh Quang, phường Thạnh Lộc đề nghị các ĐBQH Tp.HCM nên có kiến nghị để bổ sung các gói an sinh, chăm lo cho người dân gặp khó khăn vì đại dịch. Đồng thời, có chính sách giúp các doanh nghiệp, hộ kinh doanh khôi phục sản xuất sau thời gian ngưng hoạt động vì dịch.

Cử tri Ngô Thanh Vân, phường Đông Hưng Thuận mong muốn Đoàn ĐBQH Tp.HCM quan tâm đến việc chống lạm phát khi phục hồi kinh tế, giữ vững phong trào bình ổn giá giúp đời sống nhân dân ổn định hơn.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho biết, Tp.HCM sẽ huy động thêm nguồn lực khôi phục kinh tế, chăm lo an sinh xã hội.

Trả lời các ý kiến của cử tri, ĐBQH Trần Hoàng Ngân, Thành ủy viên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Tp.HCM hoan nghênh các phát biểu thực tế, có đóng góp chính xác của cử tri.

Về việc quan tâm hỗ trợ hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Ngân cho biết, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều hướng dẫn chính sách như giảm thuế, giãn thuế, giảm phí, giảm lệ phí, khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất,…

“Tuy nhiên, cử tri cho rằng vẫn còn ít. Chúng tôi sẽ có ý kiến với Quốc hội, Chính phủ để mở rộng gói hỗ trợ, tăng cường thêm”, ông Ngân nhìn nhận.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân cũng thông tin, cùng với số ca lây nhiễm Covid-19 tăng cao thì số doanh nghiệp đóng cửa, ngừng hoạt động, giải thể cũng rất lớn. Tại Tp.HCM, các hộ kinh doanh cá thể phải đóng cửa trên 50%.

“Tình hình kinh tế của Tp.HCM chưa bao giờ bị âm nhưng trong quý 3/2021, GRDP là -24,39%. Đây là con số kỷ lục từ trước đến nay. Trong 9 tháng đầu năm 2021, con số này là -4,98%. Tình hình kinh tế rất khó khăn”, ĐBQH Trần Hoàng Ngân chỉ ra.

Tp.HCM đóng góp bình quân 22% GDP cho cả nước, đóng góp 27% tổng thu ngân sách. Do đó, ông Ngân cho rằng, khi Tp.HCM gặp khó khăn sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế cả nước.

Bàn về giải pháp, ông Ngân đề nghị, cần phải tập trung tạo việc làm để khôi phục phát triển kinh tế, xã hội. Tp.HCM sẽ quyết tâm giữ vững an toàn y tế, làm nền tảng mở rộng sản xuất để người dân có việc làm.

Đối với nhận định Tp.HCM sẽ thiếu nguồn lao động, ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho biết, địa phương đang từng bước mở rộng sản xuất.

“Hiện nay, công suất sản xuất kinh doanh đạt 50%, chúng ta sẽ từng bước nâng lên 70% rồi 90% để đảm bảo mật độ lao động. Do đó, trong tương lai, Tp.HCM sẽ thiếu lao động”, ông Ngân nhận xét.

Tp.HCM đang phối hợp với các địa phương vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long để đưa người lao động, công nhân trở lại làm việc trên cơ sở đảm bảo an toàn, hỗ trợ vắc-xin phòng Covid-19 và xét nghiệm.

Trước ý kiến của cử tri về việc tăng thêm các gói an sinh xã hội, ĐHQH Trần Hoàng Ngân bày tỏ đồng tình. Tp.HCM đang tính toán để có thêm nguồn lực cho công tác an sinh xã hội trong thời gian tới.