Tiêu dùng & Dư luận

TP.HCM: Hoạt động trở lại, lượng hàng về chợ Bình Điền chưa được 50%

Trong đêm thứ hai hoạt động như một điểm trung chuyển hàng hóa, chợ Bình Điền có 14 ô vựa hoạt động, với tổng lượng hàng nhập chợ hơn 40 tấn.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Phan Thành Tân, Giám đốc công ty Quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền cho biết, chợ bố trí phân luồng giao thông một chiều, các xe tham gia hoạt động tập kết phải có nhật ký hành trình, cài đặt ứng dụng khai báo y tế.

Các tiểu thương đăng ký danh sách lao động với chợ để làm thẻ ra vào (có dán ảnh) nhằm thuận tiện cho công tác quản lý.

Theo kịch bản xử lý khi có các ca mắc Covid-19 của chợ Bình Điền, nếu có hơn 5 ca nhiễm, chợ dừng hoạt động ngay. Thời điểm chưa có dịch bệnh, ở chợ có khoảng 10.000 người đến giao dịch, cao điểm có 20.000 người.

Bình thường ở chợ có 2.000 thương lái, dự kiến nếu tối đa cho phép hoạt động hiện nay cũng chỉ được 50% số thương lái.

Có thể nói, việc khởi động lại hoạt động của chợ Bình Điền là một tín hiệu đáng mừng, dự báo những tiến triển trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM.

Đại diện sở Công Thương TP.HCM làm việc với ban quản lý chợ Bình Điền về phương án hoạt động điểm trung chuyển hàng hóa an toàn, phòng chống dịch.

Trước đó, khối lượng hàng các thương nhân tại chợ Bình Điền đăng ký với công ty là khoảng 150 tấn, bao gồm các ngành hàng thịt heo, thủy hải sản, rau củ quả.

Cụ thể, lượng xe tải ra vào chợ trong đêm 8/9 là 31/58 xe đã đăng ký. Số ô vựa ra bán là 14 ô vựa (1 thịt heo; 3 rau củ quả; 10 thủy hải sản).

Tổng lượng hàng nhập chợ khoảng là 40,8 tấn. Trong đó, thủy hải sản khoảng 19,5 tấn; tồn trữ tại vựa khoảng 1,5 tấn. Rau củ quả khoảng 21 tấn; tồn trữ tại vựa khoảng 2.5 tấn. Và thịt heo khoảng 300kg.

Nhận định về thực tế số lượng hàng hóa thực tế về chợ chưa được một nửa so với dự kiến, ông Tân cho rằng, nguyên nhân là việc đi lại gặp nhiều khó khăn, tâm lý thăm dò thị trường và một số vựa thiếu nhân sự do phải giao hàng  cho mối nên lượng hàng nhập về chợ .

“Điểm tập kết  hoạt động ngày thứ hai nên anh em trong nhóm cũng còn thụ động, số vựa hoạt động ít hơn nhân sự của nhóm nhưng nhóm đã hoàn thành nhiệm vụ được giao”, ông Tân nói.

Báo cáo của sở Công Thương TP.HCM cũng cho biết số liệu về phương thức “đi chợ hộ”. Tổng nhu cầu đăng ký trong ngày 8/9 là 85.882 hộ, tăng 4% (tương đương 3.346 hộ) so với hôm trước.

Sở Công Thương TP.HCM ghi nhận 11/22 địa bàn có nhu cầu đăng ký tăng, bao gồm: Quận 1 (tăng 272 hộ), quận 3 (tăng 111 hộ), quận 5 (tăng 299 hộ), quận 8 (tăng 3.333 hộ), quận 11 (tăng 397 hộ), quận Bình Thạnh (tăng 404 hộ), quận Gò Vấp (tăng 1.911 hộ), quận Phú Nhuận (tăng 97 hộ), huyện Bình Chánh (tăng 839 hộ), huyện Cần Giờ (tăng 136 hộ), huyện Củ Chi (tăng 207 hộ).

Kết quả thực hiện, có 88.338 hộ được cung ứng hàng hóa, tỉ lệ đạt 102,9% số hộ đăng ký. Tỉ lệ vượt 100% (nhưng có xu hướng giảm kể từ ngày 1/9 trở lại đây) chứng tỏ năng lực đáp ứng được tăng cường, nhưng vẫn còn nhiều đơn hàng của các hộ dân chưa được giải quyết kịp thời, phải thực hiện trong các ngày tiếp theo.

Lũy kế từ ngày 23/8 đến 9/9, theo khảo sát của sở Công thương, tổng nhu cầu đặt hàng “đi chợ hộ” trong 2 tuần (từ ngày 23/8 đến 6/9) là 1.943.679 hộ, chiếm 77,24% tổng số hộ dân trên địa bàn thành phố.

Tổng số hộ đã đăng ký “đi chợ hộ” (từ ngày 23/8 đến 8/9) là 1.555.461 hộ, chiếm 61,81% tổng số hộ dân sinh sống trên địa bàn (tỉ lệ tính đến ngày 7/9 là 58,40%).

Tổng số hộ đã được cung ứng hàng hóa là 1.524.374 hộ, tỉ lệ giải quyết đơn hàng đạt 98,0% so với nhu cầu đăng ký.