Sự kiện

TP.HCM: Gần 2.800 trường hợp cách ly hết thời gian theo dõi, không có biểu hiện nhiễm Covid-19

Theo trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM tính đến 08h00 ngày 19/02 là 3 trường hợp mắc bệnh đều đã khỏi, gần 2.800 trường hợp cách ly đã hết thời gian theo dõi.

Gần 2.800 người hết thời gian theo dõi

Đặc biệt, ngoài 3 trường hợp mắc Covid-19 khỏi bệnh, hiện tổng số người nghi ngờ mắc bệnh là 32 trường hợp, tất cả đều có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid - 19. Trong ngày 18/02 không có thêm trường hợp nghi ngờ.

Ngoài ra, tổng số người tiếp xúc gần với người mắc bệnh là 44 trường hợp, tất cả đều đã kết thúc thời gian theo dõi 14 ngày và không xuất hiện dấu hiệu mắc bệnh. Hiện, có 28 trường hợp đang được cách ly tại bệnh viện dã chiến (huyện Củ Chi).

Tổng số người được cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung của quận, huyện là 54 trường hợp, hiện có 36 người hết thời gian theo dõi 14 ngày, còn 18 người đang tiếp tục được theo dõi.

Tổng số người được cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 2.961 trường hợp, hiện đã có 2.792 người hết thời gian theo dõi, còn 169 người đang tiếp tục được theo dõi.

Người dân tích cực phòng chống dịch bệnh bằng dùng nước rửa tay, đeo khẩu trang.

Tất cả các trường hợp được cách ly theo dõi đều chưa phát hiện dấu hiệu mắc bệnh.

Sở Y tế  TP.HCM cùng với Bộ Tư lệnh TP.HCM  và nhiều cơ quan đơn vị tổ chức đảm bảo hoạt động của bệnh viện dã chiến, trong đó có việc đáp ứng những nhu cầu sinh hoạt thiết yếu cho những người đang được cách ly theo dõi.

Tiếp tục tăng cường giám sát, phòng dịch bệnh

Trước tình hình Covid-19 còn diễn biến phức tạp, ngoài khu cách ly tập trung đặt tại bệnh viện dã chiến ở Củ Chi, Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP.HCM đã yêu cầu mỗi quận huyện phải có một khu cách ly để thực hiện phương châm 5 tại chỗ trong phòng chống dịch. 

Đến nay, cơ bản các quận huyện đã chủ động thành lập từng khu cách ly riêng, sẵn sàng chăm sóc đối tượng cách ly nghi nhiễm Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Ngành y tế TP.HCM tiếp tục kiểm tra, giám sát hoạt động cách ly kiểm dịch tại các địa phương, tham gia đoàn Hội đồng nhân dân thành phố giám sát hoạt động phòng chống dịch bệnh Covid-19 ở Thủ Đức; phối hợp các cơ quan, ban ngành truyền thông về tình hình dịch bệnh, phổ biến, hướng dẫn người dân các biện pháp tự phòng ngừa, bảo vệ sức khỏe.

Ngành y tế chủ động cách ly người diện nghi ngờ

Các hoạt động kiểm dịch y tế tại sân bay được tăng cường ở cả ga quốc tế và ga quốc nội nhằm phát hiện kịp thời người nghi ngờ mắc bệnh, người đến từ những vùng có dịch để tổ chức theo dõi, cách ly phù hợp.

Luật sư Trần Quốc Cường, đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, tại Điều 6 Nghị định 176/2013 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế nêu rõ: cá nhân nào phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm nhưng không khai báo sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đến 500.000 đồng.

Ngoài mức phạt cho hành vi không khai báo bệnh, mức độ nặng hơn nữa là hành vi che giấu bệnh dịch của mình hoặc người khác.

Khoản 2 Điều 6 Nghị định 176/2013 quy định, cá nhân che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A (các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh) sẽ bị xử phạt từ 500.000 đến 1 triệu đồng.

Trong trường hợp người bệnh từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sẽ bị phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng, theo Điều 10 của Nghị định 176/2013.