Sự kiện

Tp.HCM đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn bán thuốc điều trị Covid-19

Trong khi một số nhà thuốc trên địa bàn đã bán thuốc điều trị Covid-19, đại diện Sở Y tế Tp.HCM khẳng định việc mua bán này phải tuân thủ quy định chặt chẽ.

Chiều 24/2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế Tp.HCM tổ chức họp báo định kỳ. Một trong các vấn đề được thảo luận là nhà thuốc chỉ được bán Molnupiravir nếu bệnh nhân được bác sĩ xác nhận mắc Covid-19 và kê đơn.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế Tp.HCM cho biết: “Thời gian qua, Bộ Y tế rất nỗ lực cùng công ty dược hoàn thành cấp phép cho các công ty để cấp phép sản xuất thuốc này”.

Chiều 23/2, Bộ Y tế đã làm việc với 3 công ty để thống nhất giá bán ra thị trường. Các công ty này cũng đã bán cho các công ty bán lẻ thuốc. Hiện, các sản phẩm thuốc của 3 công ty đã nằm tại cửa hàng bán lẻ.

"Chỉ còn khâu cuối cùng làm sao bán cho người dân. Vì đây là thuốc kháng virus, loại thuốc đặc biệt nên phải thực hiện theo kê đơn. Muốn kê đơn thì bác sĩ phải khẳng định là có bệnh. Còn nếu dương tính chạy ra mua thuốc là không đúng quy định pháp luật", bà Mai cho hay.

Để giải quyết khâu này, Sở Y tế Tp.HCM có công văn gửi Bộ Y tế để xin hướng dẫn kê đơn cho bệnh dịch loại A (bệnh Covid-19) để không bị vướng mắc và công ty có thể thuận lợi bán thuốc cho người dân.

Bà Mai cảnh báo: “Việc mua bán thuốc không theo kê đơn rất nguy hiểm. Nếu người dân sử dụng bừa bãi kháng sinh sẽ dẫn đến kháng thuốc.

Sở Y tế sẽ đi kiểm tra và nhắc nhở các nhà thuốc bán thuốc cho người dân khi chưa có hướng dẫn. Đây là vũ khí cuối cùng hiện nay, nếu hủy hoại thì sẽ rất khó khăn cho sau này", đại diện Sở Y tế TP.HCM nói.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế Tp.HCM tại họp báo.

Tại buổi họp báo, phóng viên đặt câu hỏi về việc trước tình hình số ca nhiễm tăng nhanh, Tp.HCM có dự định mở lại các bệnh viện dã chiến hay không?

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho hay, hệ thống giám sát của ngành y tế ghi nhận số ca mắc mới của Tp.HCM những ngày qua liên tục tăng cao so với giai đoạn trước và trong Tết. Đặc biệt, số trẻ em mắc Covid-19 tăng và dự báo sắp tới thì con số này tiếp tục tăng.

Theo phân tích của đại diện Sở Y tế Tp.HCM, nguyên nhân là người dân vừa trải qua đợt nghỉ Tết dài và học sinh mới quay lại trường sau Tết. Đặc biệt, qua khảo sát của ngành y tế, số ca mắc biến thể mới Omicron đang chiếm ưu thế tại Tp.HCM.

Tuy nhiên, Chánh văn phòng Sở Y tế Tp.HCM khuyến cáo người dân không cần quá hoang mang. Qua theo dõi các cơ sở điều trị và ca nhập viện cũng như thở máy, ngành y tế nhận thấy số ca nặng không tăng và có xu hướng giảm những tuần qua.

Đặc biệt, những ngày qua, số ca nặng, thở máy, tử vong đang ở mức thấp nhất. Thậm chí, ngày 23/2, Tp.HCM không có ca tử vong.

Hiện nay, Tp.HCM hiện có độ phủ vắc-xin rất tốt, đang phấn đấu 80% người dân được tiêm vắc-xin mũi 3. Bên cạnh đó, ngành y tế cũng thực hiện tốt chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ và đang mở rộng thêm các đối tượng. Đây là lý do số ca tử vong tại Tp.HCM đang giảm ở mức thấp nhất.

Về các ca nhiễm Omicron tại Tp.HCM trong thời gian qua, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) nhận định: “Nguồn lây chắc chắn từ nước ngoài, cụ thể là qua các cửa khẩu tại TP.HCM và trên cả nước. Việc kiểm soát Omicron rất khó nên ta cần chuẩn bị phương án, trong đó cần theo dõi biến chủng này. Biến chủng này chưa cho thấy sự nguy hiểm so với chủng Delta trước đây”.

Ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo, cho biết những ngày qua, số ca trẻ em mắc Covid-19 tăng cao. Cụ thể, tuần từ 14/2 đến 21/2, số trẻ nhiễm tăng cao gấp 3 lần so với tuần trước đó.

Vì thế, Tp.HCM đã có kế hoạch để chăm sóc trẻ em mắc Covid-19. Cụ thể là thực hiện chiến dịch bảo vệ trẻ em, trong đó ưu tiên bảo vệ trẻ có nguy cơ như béo phì, có bệnh nền…

Chiến dịch bảo vệ trẻ em của TP.HCM gồm 7 nội dung:

- Cung cấp số điện thoại để tư vấn từ xa, giải đáp thắc mắc cho phụ huynh, thân nhân, người chăm sóc bệnh nhi.

- Tập huấn cho giáo viên để nhận biết dấu hiệu, từ đó xử lý.

- Tập huấn cho hệ thống y tế gồm trung tâm y tế, trạm y tế, trung tâm y tế lưu động, các bệnh viện.

- Phân tầng điều trị, hướng dẫn chăm sóc tại nhà và các trường hợp cần nhập viện điều trị.

- Xây dựng kịch bản khi số trẻ mắc gia tăng.

- Tăng cường truyền thông để người dân hiểu nguyên nhân ca Covid-19 tăng, các giải pháp…

- Sẵn sàng triển khai kế hoạch tiêm vắc-xin cho trẻ dưới 12 tuổi.