Kinh tế vĩ mô

Tp.HCM: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án được HĐND thông qua

Kỳ họp chuyên đề của HĐND Tp.HCM đã quyết định thông qua nhiều dự án phát triển kinh tế xã hội, nhận được sự ủng hộ của người dân.

Huy động ngân sách nhiều dự án

Kỳ họp thứ 11 của HĐND Tp.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026 được tổ chức vào tháng 9/2023 đã thể hiện nỗ lực cao nhất triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội.

Tại kỳ họp, HĐND Tp.HCM đã thông qua 87 chủ trương đầu tư dự án trên địa bàn thuộc nhiều lĩnh vực thiết yếu. Trong số này, có 7 dự án nhóm A, nhiều dự án lần đầu được Tp.HCM áp dụng mô hình PPP trên tuyến hiện hữu.

Theo danh mục các dự án trình phê duyệt tại kỳ họp này, Tp.HCM dành nhiều ưu tiên cho các dự án thuộc lĩnh vực giáo dục và y tế.

Cụ thể, có hơn 20 dự án đầu tư xây dựng trường học các cấp. Thành phố này dự kiến đầu tư cho các trường: Trường THPT Trưng Vương (chi phí 95 tỷ đồng); Trường THPT Võ Trường Toản (175 tỷ đồng); Trường THPT Hùng Vương (300 tỷ đồng); Trường THCS Nguyễn Huệ (85 tỷ đồng)…

Tại quận Gò Vấp, Dự án Đầu tư xây dựng trường Tiểu học Phường 14 (tổng mức đầu tư 108 tỷ đồng) sẽ giúp giảm tải cho 2 trường Tiểu học Lam Sơn (mật độ 47 học sinh/lớp) và Tiểu học Lê Quý Đôn (48 học sinh/lớp).

Nhiều dự án xây dựng trường học tại quận Gò Vấp vừa được HĐND Tp.HCM thông qua nhằm tháo gỡ khó khăn về cơ sở vật chất cho ngành giáo dục địa phương.

Nhiều dự án thuộc lĩnh vực y tế của Tp.HCM sẽ được ưu tiên để đầu tư trong giai đoạn sắp tới. Theo đó, Tp.HCM đầu tư 450 tỷ đồng đầu tư xây dựng Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng Đông y, Đông dược; 699 tỷ đồng để xây dựng Ngân hàng Máu (thuộc Bệnh viện Huyết học và truyền máu).

Đặc biệt, có 3 bệnh viện đa khoa khu vực đang trong giai đoạn hoàn thiện khâu xây dựng, Tp.HCM sẽ huy động kinh phí để đồng bộ hệ thống trang thiết bị y tế. Cụ thể là 1.450 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị cho Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức; 1.365 tỷ đồng cho Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi; 1.491 tỷ đồng cho Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn.

Bình luận về kỳ họp này của HĐND Tp.HCM, cử tri Đồng Lý Phát, ngụ quận 6 nêu ý kiến: “Tp.HCM xây dựng Ngân hàng Máu là hợp lý. Trung tâm hiến máu nhân đạo ở quận Tân Bình đã quá tải trong khi nhu cầu hiến máu để cứu người là cần thiết và nhân văn”.

Còn cử tri Mai Nguyễn Trường Ly, ngụ quận Gò Vấp ủng hộ HĐND Tp.HCM quyết định đầu tư xây dựng nhiều trường học tại phường 14, quận Gò Vấp khi khu vực này thiếu trường học nên sỹ số học sinh quá đông.

Tuy nhiên, cử tri băn khoăn về tiến độ thực hiện các dự án vừa được thông qua với những thắc mắc “làm sao để hiệu quả, không lãng phí”, “cần giám sát để không xảy ra tiêu cực, nhũng nhiễu”,…

Áp lực giải ngân đầu tư công

Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, Bí thư Thành ủy Tp.HCM Nguyễn Văn Nên khẳng định, với hơn 100 tờ trình về cơ chế, chính sách, dự án được thông qua, tại kỳ họp này đã quyết định “nhiều nội dung lớn chưa từng có của HĐND Tp.HCM”.

Sau gần 3 tháng Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.HCM được Quốc hội thông qua, HĐND Tp.HCM đã chủ động chuẩn bị mọi phần việc từ sớm để bắt tay thực hiện.

Lãnh đạo Thành ủy Tp.HCM quán triệt, Nghị quyết 98 không bó hẹp mà luôn mở rộng, thông thoáng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trước yêu cầu mới. Thành phố này cần mở rộng không gian phát triển, chủ động các phần việc. Cụ thể, các hoạt động y tế, giáo dục của Tp.HCM có thể mở rộng ở phạm vi vùng.

"Người dân làm ăn, sinh sống, học tập ở Tp.HCM phần lớn tới từ địa phương khác trong vùng. Nếu người dân trong vùng không cần đi xa mà vẫn có thể làm ăn, sinh sống, học tập, chăm sóc sức khỏe thì quá tốt", ông Nguyễn Văn Nên bày tỏ.

Để việc triển khai các dự án đầu tư công của Tp.HCM thực sự hiệu quả, đặc biệt tận dụng các cơ chế chính sách đặc thù, theo bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND Tp.HCM, tất cả nội dung của Nghị quyết số 98 cần phải được cụ thể hóa, thể chế hóa phải hoàn thành trong năm.

“Chúng ta cần xác định những chủ trương, quyết định đúng, sát tình hình thực tiễn, phát huy hiệu quả các nguồn lực trong đầu tư, các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố. Công tác chuẩn bị dự án cần được cải thiện, tránh nhất việc dự án phải điều chỉnh, gia hạn, chậm tiến độ vì các yếu tố chủ quan. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào sự quyết liệt của các chủ đầu tư, cơ quan được giao chuẩn bị dự án”, bà Lê nhấn mạnh.

Đồng thời, Chủ tịch HĐND Tp.HCM cũng lưu ý các cơ quan, đơn vị rằng “dự án cấp thiết, nhưng không vì vậy mà vội vàng, sơ sài dẫn tới nhiều hệ lụy, cụ thể là chậm giải ngân vốn đầu tư công làm ảnh hưởng xấu đến nguồn lực của Thành phố, không phát huy hiệu quả các chính sách đặc thù mà Thành phố được áp dụng”.

Nhìn nhận về vấn đề giải ngân đầu tư công để triển khai nhiều dự án sắp tới, TS. Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý Tp.HCM đánh giá, năm 2023, Tp.HCM quyết tâm giải ngân vốn đầu tư công đạt 95%. Như vậy, áp lực đè nặng lên công tác giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án đã và đang triển khai rất lớn. Do đó, Thành phố phải quyết liệt cải thiện tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư, tạo tiền đề quan trọng để triển khai các dự án mới phê duyệt chủ trương đầu tư trong thời gian tới.

“Việc giải ngân đầu tư công cần có sự thống nhất giữa người giao nhiệm vụ và người nhận nhiệm vụ để hiểu rõ tính khả thi của từng nhiệm vụ được giao. Người giao nhiệm vụ phải có tầm nhìn, cân nhắc để “chọn mặt gửi vàng” trong khi người nhận nhiệm vụ phải chủ động, trách nhiệm và nỗ lực với những cam kết của mình với cấp trên, với nhân dân”, ông Thắng chỉ ra