Sự kiện

TP.HCM đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch với 13 tỉnh miền Tây

Trong bối cảnh cả nước bước vào điều kiện bình thường mới, TP.HCM và các địa phương ĐBSCL đã họp mặt, đưa ra giải pháp khôi phục và đẩy mạnh phát triển ngành du lịch.

Ngày 4/7, hội nghị về liên kết hợp tác phát triển du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức tại TP.Cần Thơ.

Lãnh đạo các địa phương đều khẳng định, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu và toàn diện đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, trong đó ngành du lịch chịu ảnh hưởng trực tiếp và trực diện.

Đồng bằng sông Cửu Long còn phải gánh thiệt hại “kép” từ dịch và khô hạn.

Lãnh đạo TP.HCM và các địa phương ĐBSCL tổ chức hội nghị tìm cách thúc đẩy ngành du lịch.

Số lượng khách cũng như doanh thu du lịch có sự sụt giảm nghiêm trọng. Tăng trưởng của ngành du lịch quý I giảm sâu, và phục hồi chậm trong quý II đã tác động không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng GRDP của mỗi tỉnh, thành.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, chưa có giai đoạn nào mà ngành du lịch bị sụt giảm hơn 50% lượng khách, doanh thu so với cùng kỳ như lúc này.

Tổng khách du lịch đến TP.HCM 6 tháng đầu năm đạt 9,4 triệu lượt, giảm 54,7%. Trong đó khách quốc tế đến chỉ đạt 1,3 triệu lượt (chủ yếu của 3 tháng đầu năm), giảm 69,3% so với cùng kỳ.

Còn khách du lịch nội địa đạt 8,1%, giảm 50,9% so với cùng kỳ. Chính vì vậy, tổng thu du lịch 6 tháng của TP.HCM ước đạt 34.099 tỷ đồng, giảm 49,6% so với cùng kỳ.

Tương tự, ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, khách du lịch đạt 12,9 triệu lượt, giảm 51% so với cùng kỳ, doanh thu du lịch đạt 10.300 tỷ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ.

Các doanh nghiệp lữ hành phải chịu tác động kép - giảm khách và bồi thường một số nhóm chi phí của các tour bị huỷ. Ngành lữ hành bị tác động kéo theo sự khó khăn của các dịch vụ khác như vận chuyển, lưu trú…

Ngành du lịch có hơn 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, do đó khả năng tự “chống chọi” khi có rủi ro thấp.

Một số công ty có lượng khách và doanh thu giảm 95% đến 100% so với cùng kỳ năm nước. Do đó, nhiều doanh nghiệp phải chuyển loại hình kinh doanh hoặc đóng cửa.

Tuy trong hoàn cảnh khó khăn nhưng phải thấy rằng, các doanh nghiệp luôn chấp hành nghiêm các yêu cầu phòng chống dịch. Đồng thời, luôn ở tinh thần sẵn sàng vào cuộc để chia sẻ công tác phòng chống dịch và tinh thần “bật trở lại” mạnh mẽ trong điều kiện bình thường mới.

Với tình hình khó khăn chung của thị trường quốc tế và chính sách kích cầu du lịch nội địa rất hấp dẫn của các nước, sẽ càng làm gia tăng khó khăn cho thị trường du lịch quốc tế đến với Việt Nam thời gian tới.

Các chương trình kích cầu du lịch nội địa đang được triển khai rộng rãi.

Trong khi thị trường du khách quốc tế còn chưa “mở” thì lúc này chính là thời điểm “vàng” cho sự đầu tư phát triển thị trường du khách nội địa.

Thị trường khách nội địa vẫn chiếm 2/3 số du khách đến TP.HCM hàng năm và là thị trường trọng điểm của các tỉnh, thành ĐBSCL.

Báo cáo của hội nghị thống nhất rằng, TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL với lợi thế thoả thuận liên kết, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa dòng khách hai chiều.

“Nếu làm bài toán hoán đổi, 1/3 của 10 triệu dân TP. HCM về du lịch ở ĐBSCL và ngược lại 1/3 của 20 triệu dân của 13 tỉnh, thành ĐBSCL đến du lịch ở TP.HCM, sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn trước mắt của doanh nghiệp, xáo bỏ dần tâm lý e ngại du lịch của người dân.

Cần đặt mục tiêu làm cho thị trường du lịch nội địa trong 6 tháng cuối năm sôi động trở lại, thậm chí phải đặt mục tiêu sôi động hơn cả giai đoạn trước dịch.

Bởi, lúc này không có sự cạnh tranh với các thị trường nước ngoài mà chỉ là làm thế nào để mỗi người dân đều muốn bước ra khỏi nhà, đi du lịch đây đó ở Việt Nam”, ông Phong phát biểu.