Sự kiện

TP.HCM chuyển từ "phòng thủ" sang "tấn công" 6 nguy cơ dịch Covid-19

Trước nhiều nguy cơ dịch bệnh Covid-19 đối với địa phương, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu “không được lơ là, chủ quan”.

Chiều 11/5, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, địa phương đang đối mặt với 6 nguy cơ xâm nhập dịch bệnh.

Vì vậy, các đơn vị, sở ngành, UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức cần hết sức cảnh giác, không được lơ là trong công tác chống dịch Covid-19.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, nguy cơ xâm nhập dịch bệnh đầu tiên tại TP.HCM là từ trong các khu cách ly tập trung.

Hiện nay, TP.HCM có nhiều khu cách ly tập trung nên có nguy cơ lây chéo trong khu cách ly, từ đó lây ra cộng đồng nếu không đảm bảo điều kiện tổ chức cách ly tập trung.

“Vừa qua có một số khu cách ly còn quản lý lỏng lẻo thì nay cần phải siết chặt quản lý trở lại để ngăn chặn dịch bệnh từ các khu cách ly tập trung”, ông Phong chỉ ra.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong và Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức kiểm tra hệ thống khai báo y tế điện tử tại bệnh viện Nhân dân 115.

Thứ hai, TP.HCM không có ổ dịch cộng đồng từ sau ổ dịch Tân Sơn Nhất vào tháng 2/2021 đến nay. Tuy nhiên, nguy cơ dịch xâm nhập và lây lan dịch bệnh qua việc giao thương, kinh tế - xã hội với các tỉnh thành cũng khá lớn. Bởi, TP.HCM cũng là cửa ngõ giao thông quốc tế với 1 sân bay và gần 60 cảng hàng hải lớn nhỏ.

Thứ ba, nguy cơ xâm nhập dịch bệnh từ các bệnh nhân hoàn thành cách ly tập trung và trở về TP.HCM.

Thực tế, vừa qua có nhiều người sau cách ly tập trung trở về thành phố (đặc biệt là các chuyên gia nước ngoài nhập cảnh) để làm việc ngay sau kết thúc cách ly, các đối tượng này có nguy cơ lây nhiễm cao cho cộng đồng nếu không tuân thủ yêu cầu phòng chống dịch trong thời gian sau cách ly tập trung (hạn chế tiếp xúc, đi lại...)

Hoặc như trường hợp của bệnh nhân ở Hà Nam, sau khi hoàn thành cách ly tập trung đã đến TP.HCM và lây bệnh cho một người khác tại quận Bình Tân.

Thứ tư, TP.HCM là địa phương nhiều bệnh viện tuyến cuối, phải tiếp nhận bệnh nhân từ nhiều tỉnh thành trong cả nước, rất đông bệnh nhân và thân nhân.

Thư năm, nguy cơ nhập cảnh trái phép, thực tế TP.HCM đã ghi nhận trường hợp hai mẹ con nhập cảnh trái phép từ Campuchia đến bệnh viện Từ Dũ khám bệnh. Nhưng may mắn, nhờ phát hiện sớm nên chưa lây lan ra cộng đồng.

Thứ sáu, nguy cơ xâm nhập ở các địa phương có chuỗi lây do mức độ di chuyển của người dân các tỉnh đến TP.HCM khá lớn.

Vì vậy, ông Nguyễn Thành Phong đã nhấn mạnh tinh thần cảnh giác, không được phép lơ là, tất cả theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là “chuyển từ phòng thủ sang tấn công”.

Trong đó, mỗi người dân là một chiến sỹ, mỗi người ở một vị trí khác nhau thì đóng góp sức mình vào cuộc chiến chống lại dịch bệnh theo cách khác nhau để góp phần làm nên chiến thắng.

Ngoài ra, ông Nguyễn Thành Phong cũng khẳng định, hiện nay việc phòng, chống dịch là ưu tiên số 1 của TP.HCM.

Vì vậy đề nghị các Sở, ngành, UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức cần sắp xếp công việc để có biện pháp phòng chống dịch.

Thủ trưởng các đơn vị như du lịch, các khu công nghiệp, giao thông vận tải… phải kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng dịch ở mức cao nhất.

Cần tăng cường kiểm soát đường hàng không (hãng hàng không phải kiểm soát cả nhân viên và hành khách), tiếp nhận vận chuyển người nhập cảnh. Còn đường bộ phải tái lập các chốt kiểm soát tại các cửa ngõ ra vào TP.HCM,…

Kể từ nay, tất cả người dân từ vùng dịch đến TP.HCM cần phải khai báo y tế. Tất cả bệnh viện, các đơn vị sở ngành, UBND quận, huyện, thành phố đều phải có phương án, kịch bản ứng phó và kiểm soát chặt dịch bệnh tại địa bàn.

“Nếu để xảy ra dịch bệnh lây lan ra cộng đồng thì lãnh đạo địa bàn, quận huyện, sở, ngành.. đó phải chịu trách nhiệm trước UBND TP.HCM”, ông Nguyễn Thành Phong chỉ đạo.