Kinh tế vĩ mô

Tp.HCM: Chính quyền và doanh nghiệp "bắt tay" tìm giải pháp phục hồi tăng trưởng sau dịch Covid-19

Trước nhiều kiến nghị của hiệp hội các doanh nghiệp, Sở Công Thương  Tp.HCM sẽ nghiên cứu, đề xuất UBND Tp.HCM tháo gỡ khó khăn.

Ngày 11/3, Sở Công Thương Tp.HCM đã có biên bản tổng hợp ý kiến từ 26 tổ chức hiệp hội doanh nghiệp cấp thành phố sau buổi họp giao ban quý I/2022 trước đó.

Nhìn chung, các doanh nghiệp phản ánh tình hình thực tế hoạt động trong các tháng đầu năm và kiến nghị thành phố cùng cơ quan quản lý ngành công thương tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp; giá xăng dầu, nguyên vật liệu tăng cao.

Sở Công Thương Tp.HCM nối lại cuộc họp giao ban với các hiệp hội doanh nghiệp sau đợt dịch thứ 4 năm ngoái.

Trong lĩnh vực may mặc, bà Trần Hoàng Phú Xuân, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan Tp.HCM cho biết: “Thời gian 2 năm qua, giá sợi cotton tăng 70%, giá nguyên phụ liệu trong nước tăng 40%. Dịch bệnh diễn biến khó lường cộng với việc thành phố thu phí hạ tầng cảng biển sẽ làm tăng khó khăn cho doanh nghiệp”.

Bà Phú Xuân chỉ ra rằng, các doanh nghiệp đang cố gắng gia tăng giá trị sáng tạo và chủ động nguyên phụ liệu trong bối cảnh thị trường tiêu thụ thời trang nội địa được định giá 5 tỷ USD nhưng tính cạnh tranh rất khốc liệt.

Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch Hội Da giày Tp.HCM trình bày: “Các doanh nghiệp da giày đã có đơn hàng đến hết tháng 7/2022 nhưng rất lo lắng vì chi phí đang tăng cao. Giá xăng, logistics, đầu vào nguyên phụ liệu tăng, lại thêm phí cảng biển”

Đồng thời, vấn đề thu hút lao động, đặc biệt là người lao động có tay nghề, trình độ cao được ông Khánh nêu ra với nhiều trăn trở khi các doanh nghiệp nội địa thua thiệt so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Ở lĩnh vực logistics, các tổ chức hội cho rằng quy hoạch Tp.HCM còn thiếu những khu logistics tầm cỡ nên đang là điểm nghẽn chuỗi cung ứng dẫn đến tăng chi phí. Các hội ngành nghề hiến kế Tp.HCM tập trung phát triển đề án logistics trên địa bàn vì hoạt động này là mạch máu của nền kinh tế.

Đại diện Hội Doanh nghiệp cựu chiến binh Tp.HCM góp ý, lĩnh vực logistics cần chú ý đầu tư các kho, bãi phục vụ xuất khẩu nông sản để gia tăng giá trị hàng hóa; cần có tích hợp và cung cấp thông tin về chính sách, thị trường thuận lợi cho doanh nghiệp.

Hoạt động logistics được các doanh nghiệp chỉ ra là vấn đề khó khăn, cần chính quyền quan tâm giải quyết để thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho địa phương.

Ngoài ra, các tổ chức hội đề nghị Tp.HCM cần có thông tin thống nhất về phòng chống dịch, bảo đảm thành quả phòng chống dịch để ổn định tình hình kinh tế - xã hội, doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương Tp.HCM cho biết, nền kinh tế Tp.HCM đã trải qua giai đoạn rất khó khăn do ảnh hưởng đợt dịch Covid-19 lần thứ 4.

“Từ tháng 8/2021 đến tháng 2/2022 chúng ta mới có tăng trưởng dương. Sức mua hiện tại tăng so với giai đoạn giãn cách xã hội nhưng doanh thu của hệ thống siêu thị đang giảm.

Khi chúng ta đang có tín hiệu tốt thì lạm phát toàn cầu gia tăng, đầu vào nguyên vật liệu, đặc biệt là xăng dầu, tăng. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, nếu doanh nghiệp tăng giá sản phẩm sẽ càng khó khăn hơn do sức mua còn yếu", ông Vũ nhận định.

Để tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, năm 2002, ngành công thương Tp.HCM sẽ thực hiện chủ đề Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Đồng thời, Sở Công Thương tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hoạt động, phát triển sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; tăng cường các hoạt động hợp tác, liên kết vùng,…

Sở Công Thương đang khẩn trương báo cáo UBND Tp.HCM về các đề xuất của doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, từ đó thực hiện tốt hơn vai trò tham gia điều phối, dẫn dắt thị trường.