Dân sinh

TP.HCM: Cận Tết Nguyên đán, người dân khổ với lô cốt

Chỉ còn vài tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2019, tuy nhiên, trên địa bàn TP.HCM đang có hàng trăm vị trí dựng hàng rào chắn hay quen gọi là lô cốt để thi công các công trình trên mặt đường.

Sau nhiều năm, người dân ít thấy hiện tượng này nên hết sức bức xúc, đặc biệt là người kinh doanh, buôn bán.

Những khu vực như đường Phạm Thế Hiển (quận 8), đường Nguyễn Thị Định (quận 2), đường Lê Lợi (quận 1) là những điểm nóng về lô cốt gây ra kẹt xe và các hệ lụy kèm theo.

Rào chắn bít bùng, chỉ còn lại khe hở hẹp.

Điển hình là việc thi công tuyến metro số 1: Bến Thành (tại Quảng trường Quách Thị Trang) – Lê Lợi – Nguyễn Siêu – Ngô Văn Năm – Tôn Đức Thắng – Ba Son – Nguyễn Hữu Cảnh – Văn Thánh – Điện Biên Phủ – cầu Sài Gòn – xa lộ Hà Nội và kết thúc tại Depot Long Bình. Hiện dự án này đang có lượng rào chắn khủng tại khu vực công viên 23/9, trước cửa chợ Bến Thành, nhà hát TP…

Lối đi bị hạn chế.

Ông Lê Tiến, một hộ đang kinh doanh trên đường Lê Lợi, quận 1 cho biết: “Từ ngày có rào chắn, lượng hàng bán ra rất ít, chủ yếu là mối quen. Thậm chí, nhiều khách cũ cũng không đến, do không có lối vào cho xe hơi. Hiện nay, như anh thấy đó, lô cốt bít hết toàn bộ mặt tiền đường, người dân chen nhau đi lại trên vỉa hè nhỏ xíu thì buôn bán kiểu gì”.

Người dân phải tràn lên vỉa hè để đi lại.

Hay công trình xây dựng hệ thống thoát nước cấp 2, cấp 3 thuộc gói thầu XL 03 của dự án Vệ sinh môi trường thành phố giai đoạn 2 trên đường Nguyễn Thị Định (quận 2). Theo công bố, dự án này thi công từ ngày 30/6 đến 10/1/2019, thời gian thi công là từ 20h đến 5h sáng hôm sau.

Khu vực Bến Thành (quận 1) đang như ma trận của lô cốt.

“Dù thi công ban đêm nhưng người dân chúng tôi cảm thấy rất khó chịu và đường thì bụi mù mịt trong khi đó phương tiện lưu thông đông gây ra ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống”, bà Nguyễn Thị Minh, một người dân ở khu vực này cho biết.

Tại đây còn có dự án của Bitexco "án binh bất động" mấy năm nay.

Không chỉ có công trình thi công phục vụ cho các dự án của TP mà còn một số "ông chủ" nắm giữ đất, phát triển các dự án bất động sản cũng quây lô cốt, khiến tình trạng càng tệ hơn.

Điển hình nhất là ngay khu tứ giác Bến Thành với 4 mặt tiền đường Phạm Ngũ Lão - Calmette - Lê Thị Hồng Gấm - Phó Đức Chính (quận 1) của nhiều doanh nghiệp. Nhiều năm qua, khu đất rộng 8.641m2 dự kiến triển khai xây dựng dự án cao ốc văn phòng - thương mại - dịch vụ, tuy nhiên, hiện đang được quây chắn bởi hàng rào cao.

Các khu vực khác cũng không khá hơn.

Cùng với hệ thống lô cốt của tuyến Metro số 1, hàng rào vây quanh 4 con đường nêu trên khiến cho khu vực này như mê hồn trận.

Trả lời PV, ông Dương Hữu Hòa, Giám đốc ban Quản lý Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên) cho biết: “Đơn vị được sở GTVT TP cấp phép dựng hàng rào đến tháng 6/2019, xong chúng tôi sẽ trả lại mặt bằng”.

Tuy nhiên, việc tái lập mặt đường cũng là hết sức ẩu.

Trả lời câu hỏi của PV có thể cải thiện tình hình, giảm bớt lượng rào chắn trong dịp cao điểm cuối năm, đặc biệt là Tết Nguyên đán hay không, ông Hòa nói: “Không thể cải thiện được vì phải làm cật lực 24/24 giờ”.

Thông tin từ sở Giao thông vận tải TP.HCM, hiện trên địa bàn TP có 148 vị trí rào chắn đang thực hiện các công trình liên quan trên 60 tuyến đường. “Từ đầu năm tới tháng 10/2018, thanh tra sở GTVT đã xử phạt trên 700 vụ việc liên quan tới thi công công trình. Trong đó, có trên 50% là tái lặp đường không đảm bảo, không thu dọn sạch sẽ…”, đại diện sở GTVT TP.HCM cho biết.