Sự kiện

Tp.HCM: 6 ca nhiễm biến chủng Omicron không có dấu hiệu chuyển biến nặng

Đến nay, Tp.HCM ghi nhận 6 ca nhiễm chủng Omicron, đều là người nhập cảnh, không triệu chứng, không chuyển nặng.

Chiều 4/1, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế Tp.HCM họp báo định kỳ về diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn trong một tuần qua.

Buổi họp tiếp tục làm rõ các vấn đề được dư luận quan tâm về tình hình tiêm phủ mũi 3 vaccine, kế hoạch kiểm soát ca mắc mới trong dịp Tết Nguyên đán và các hoạt động đáng chú ý khác.

Ông Phạm Đức Hải, Phó ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế Tp.HCM, cho biết bước vào năm 2022, Tp.HCM ghi nhận nhiều tín hiệu lạc quan.

Trong đó, số ca mắc mới ngày càng giảm, cụ thể tuần từ ngày 2 đến 9/12 thành phố có 8.886 ca, 9-16/12 giảm còn 7.527 ca, 16-23/12 còn 5.493 ca, 23- 30/12 chỉ còn 4.087 ca. Điều này cho thấy công tác chống dịch đạt được kết quả tích cực.

Đồng thời, số ca nhập viện ngày càng giảm. Trước đây, số ca nhập viện luôn ở mức 800, thì ngày 1/1 còn 322, ngày 2/1 còn 309. Bên cạnh đó, con số xuất viện luôn lớn hơn nhập viện.

“Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của nhân dân. Chúng ta có niềm tin công tác chống dịch năm 2022 sẽ có kết quả ngày càng tốt hơn”, ông Phạm Đức Hải nói.

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Tp.HCM (HCDC) cho biết, địa phương ghi nhận 6 ca nhiễm chủng Omicron, đều là người nhập cảnh. Ca thứ 6 nhiễm Omicron được phát hiện hôm 3/1 là tiếp viên hàng không, người Đài Loan, đã được cách ly ngay.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế Tp.HCM tại họp báo.

Thông tin về tình hình điều trị của 6 ca nhiễm biến chủng Omicron, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế Tp.HCM, cho biết các ca này gần như không có triệu chứng, không có dấu hiệu chuyển biến nặng.

Về kế hoạch ứng phó biển chủng mới, đại diện Sở Y tế Tp.HCM cho hay, kể từ đầu tháng 12/2021, đơn vị đã thực hiện tái cấu trúc các bệnh viện, phân bổ lại khoa, phòng hợp lý.

Ngoài 9 bệnh viện dã chiến đã giải thể, Tp.HCM còn 13 bệnh viện khác với sức chứa hơn 20.000 giường cùng hơn 8.000 giường tại các cơ sở địa phương.

"Hệ thống điều trị vẫn kịp thời đáp ứng nếu có tình huống xấu xảy ra. Sở Y tế cũng phân công công tác điều trị, chuyển viện phù hợp với tình hình hiện nay", bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai nói.

Bà Mai cho biết thêm, Tp.HCM còn nhiều ca mắc Covid-19 có diễn tiến nặng, cần can thiệp ECMO, các y, bác sĩ vẫn cố gắng từng ngày để giành giật mạng sống cho khoảng 300 bệnh nhân chuyển biến nặng.

Liên quan việc cấp phép thuốc Molnupiravir, Bộ Y tế và cơ quan chức năng đang rà soát lại các thủ tục an toàn. Việc này đã được ngành y tế trình Chính phủ và chờ xem xét.

Bà Mai cho hay: “Riêng đối với gói thuốc C kháng virus, ngành Y tế Tp.HCM còn trên 7.000 liều đáp ứng đối tượng đủ điều kiện sử dụng. Thời gian tới, Sở Y tế xin Bộ Y tế thêm 25.000 liều để đáp ứng nhu cầu trong điều kiện gia tăng ca nhiễm trên địa bàn”.

Đến 18h ngày 3/1, Tp.HCM có hơn 505.000 ca mắc Covid-19. Thành phố này đang điều trị hơn 5.800 bệnh nhân, trong đó có 113 trẻ em dưới 16 tuổi, 338 bệnh nhân nặng đang thở máy, 17 bệnh nhân được can thiệp ECMO.

Cùng ngày, Tp.HCM ghi nhận 407 bệnh nhân nhập viện và 433 bệnh nhân xuất viện, 26 trường hợp tử vong. Tổng số tử vong cộng dồn đến nay hơn 20.000 trường hợp.

Hiện, Tp.HCM duy trì dịch ở mức độ 2. Tổng số mũi 1 vaccine đã triển khai tiêm đến nay là hơn 8 triệu; mũi 2 là hơn 7 triệu, mũi bổ sung là gần 264.000, mũi nhắc lại gần 1,3 triệu.

Cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM Dương Anh Đức đã ký văn bản khẩn cho phép các cơ sở kinh doanh vũ trường, quán bar, karaoke, câu lạc bộ khiêu vũ, massage được phép hoạt động trở lại từ 10/1/2022.

Các cơ sở này phải đảm bảo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch theo Quyết định 4244 ban hành ngày 20/12/2021 và Quyết định 3583 ban hành ngày 15/10/2021 của UBND Tp.HCM. Điều kiện thứ hai là được địa phương nơi cơ sở kinh doanh trú đóng thẩm định, cho phép hoạt động.