Sự kiện

Tp.Đà Nẵng tìm nhà thầu xây kè chống sạt lở bờ sông Yên

Dự án này sẽ bám sát đường bờ sông hiện trạng, chỉnh lý êm thuận, thuận lợi cho việc thoát lũ, giảm thiểu tác động của các yếu tố và nguyên nhân gây xói lở.

Ngày 13/12, theo đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Tp.Đà Nẵng, đơn vị đã có thông báo mời thầu gói thầu xây lắp dự án Kè chống sạt lở khẩn cấp bờ sông Yên, đoạn từ hạ lưu đập An Trạch – cầu sông Yên – ngã ba sông Cẩm Lệ.

Gói thầu trong phạm vi điều chỉnh của Luật đấu thầu, với loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh.

Gói thầu có phương thức một giai đoạn 2 túi hồ sơ, đầu thầu rộng rãi qua mạng. Giá dự toán gói thầu gần 110 tỷ đồng. Dự án được thực hiện trong 540 ngày.

Gói thầu này có yêu cầu về an toàn lao động, bảo vệ môi trường. Nhà thầu phải lập các biện pháp an toàn cho người và công trình trên công trường xây dựng, kể cả các công trình phụ cận.

Biện pháp an toàn, nội quy về an toàn lao động phải được thể hiện công khai trên công trường xây dựng để mọi người biết và chấp hành; những vị trí nguy hiểm trên công trường phải bố trí người hướng dẫn, cảnh báo đề phòng tai nạn.

Các bên có liên quan phải thường xuyên kiểm tra giám sát công tác an toàn lao động trên công trường. Khi phát hiện có vi phạm về an toàn lao động thì phải đình chỉ thi công xây dựng. Tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm về an toàn lao động thuộc phạm vi quản lý của mình phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Cầu Sông Yên nằm trên tuyến đường huyết mạch nối xã Hoà Tiến và Hoà Phong, huyện Hoà Vang. 

Nhà thầu có trách nhiệm đào tạo, hướng dẫn, phổ biến các quy định về an toàn lao động cho người lao động của mình. Đối với một số công việc yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động thì người lao động phải có giấy chứng nhận đào tạo về an toàn lao động.

Nhà thầu có trách nhiệm cấp đầy đủ các trang bị bảo hộ lao động, an toàn lao động cho người lao động.

Khi có sự cố về an toàn lao động, nhà thầu thi công xây dựng và các bên có liên quan có trách nhiệm tổ chức xử lý và báo cáo cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn lao động theo quy định của pháp luật, đồng thời chịu trách nhiệm khắc phục và bồi thường những thiệt hại do nhà thầu không bảo đảm an toàn lao động gây ra.

Nhà thầu phải thực hiện các biện pháp bảo đảm về môi trường cho người lao động trên công trường và bảo vệ môi trường xung quanh, bao gồm có biện pháp chống bụi, chống ồn, xử lý phế thải và thu dọn hiện trường; phải thực hiện các biện pháp bao che, thu dọn phế thải đưa đến đúng nơi quy định.

Trong quá trình vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải phải có biện pháp che chắn bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường, các bên phải có trách nhiệm kiểm tra giám sát việc thực hiện bảo vệ môi trường xây dựng, đồng thời chịu sự kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường.

Trường hợp nhà thầu thi công xây dựng không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường thì chủ đầu tư, cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường có quyền tạm ngừng thi công xây dựng và yêu cầu nhà thầu thực hiện đúng biện pháp bảo vệ môi trường.

Tổ chức, cá nhân để xảy ra các hành vi làm tổn hại đến môi trường trong quá trình thi công xây dựng công trình phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

Bên mời thầu cũng có quy định mức phạt. Nhà thầu sẽ chịu phạt 0,1% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm mỗi ngày. Tổng giá trị phạt không quá 12% giá trị hợp đồng bị vi phạm. Nội dung phạt là chất lượng công việc không đảm bảo với thoản thuận trong hợp đồng hoặc kéo dài thời gian hoàn thành do lỗi nhà thầu gây ra; do nguyên nhân của nhà thầu dẫn tới gây thiệt hại cho người và tài sản trong thời gian bảo hành…

Dự án này nhằm mục tiêu chủ động phòng, chống lụt bão, ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn chế về thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan khu vực, phát triển đời sống nhân dân và bảo vệ cơ sở hạ tầng trong khu vực.