Tài chính - Ngân hàng

TPBank báo lãi trước thuế hơn 6.000 tỷ đồng

Là ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh năm 2021, TPBank báo lãi vượt hơn 4% so với kế hoạch đã đặt ra, giá trị vốn hoá cũng ghi nhận hơn 2,8 tỷ USD.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) là ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh 2021.

Theo đó, tính đến hết năm 2021, tổng tài sản của TPBank đạt 295.000 tỷ đồng, tăng gần 42% so với đầu năm, vượt trên 17% kế hoạch, lợi nhuận trước thuế đạt 6.038 tỷ đồng hoàn thành vượt hơn 4% so với kế hoạch đã đặt ra, bên cạnh đó tổng thu nhập hoạt động tăng 30% so với cùng kỳ, tỉ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 0,9%.

TPBank cũng thông báo tổng huy động đạt trên 262.000 tỷ đồng, tăng 77.000 tỷ đồng so với cuối năm 2020, trong đó nguồn vốn huy động chủ yếu đến từ tiền gửi của các tổ chức kinh tế và cá nhân. Tổng thu nhập hoạt động của TPBank cũng đạt hơn 13.500 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ. Bên cạnh nguồn thu lãi từ hoạt động cho vay, thu nhập lãi thuần từ dịch vụ của ngân hàng tăng gần 65% so với cùng thời điểm cuối năm 2020, đạt trên 1.500 tỷ đồng.

Năm 2021, TPBank được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận tăng vốn điều lệ, nâng tổng số vốn điều lệ của ngân hàng lên hơn 15.818 tỷ đồng thông qua hình thức phát hành cổ phiếu riêng lẻ và phát hành cổ phiếu để chia cổ tức. Nguồn vốn chủ sở hữu tăng thêm cùng nguồn vốn huy động chất lượng đã giúp TPBank nâng cao hệ số an toàn vốn. Tính đến hết năm 2021, hệ số an toàn vốn CAR của TPBank đạt gần 14%, cao gần gấp đôi mức 8% mà Ngân hàng Nhà nước yêu cầu.

Song, mức tăng trưởng tín dụng 23,4% mà NHNN cho phép cũng được TPBank sử dụng triệt để.

Trên quan điểm thận trọng, TPBank đã trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ cho không chỉ các khoản nợ xấu mà kể cả các khoản nợ tiềm ẩn, nợ cơ cấu theo các quy định mới tại Thông tư 11 và Thông tư 14 mới đây của NHNN. Do đó, tỉ lệ nợ xấu của TPBank được cải thiện và duy trì ở mức thấp 0,9%.

"Covid 19 vô hình trung như một “cú huých” trăm năm thúc đẩy người Việt cùng nhau bước lên không gian số" là chia sẻ của ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank vào hồi đầu năm 2021. 

Hiện tại, TPBank đã chứng minh được điều đó nhờ vào việc ứng dụng công nghệ để giảm thiểu thời gian và chi phí vận hành. Ngân hàng đã số hóa toàn bộ các quy trình vận hành, triển khai 90% ngân hàng không giấy tờ (paperless) và ứng dụng RPA với gần 300 robot xử lý tự động hóa quy trình, thu thập dữ liệu, sẵn sàng cho vận hành ngân hàng theo mô hình Data-Driven. 

Ông cũng cho biết thêm: “Năm 2021, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, TPBank đã có những điều chỉnh hợp lý nhằm đa dạng hóa nguồn thu của ngân hàng. Chúng tôi triển khai nhiều sản phẩm, dịch vụ công nghệ số, đáp ứng nhu cầu “không tiếp xúc” của khách hàng trong giai đoạn dịch bệnh. Đặc biệt, TPBank tập trung khai thác lượng khách hàng với chất lượng rất tốt, tỉ lệ rủi ro thấp.”

Cổ phiếu TPB năm qua được đánh giá cao trên thị trường, chốt phiên năm 2021 với mức tăng trưởng ấn tượng đạt 101%, đưa giá trị vốn hoá cua TPBank đạt hơn 2,8 tỷ USD.

Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 4/1, cổ phiếu TPB của TPBank tăng mạnh, đạt mức 42.750 đồng/cp.

Diễn biến giá cổ phiếu TPB. (Nguồn: Trading view).