Tiêu dùng & Dư luận

TP.Hồ Chí Minh: Từng bước mở lại chợ truyền thống trong điều kiện mới

Để đáp ứng nhu cầu của người dân, sở Công Thương TP.HCM đang tham mưu cho UBND TP.HCM kế hoạch mở lại chợ truyền thống trong điều kiện phòng, chống dịch.

Chiều tối 5/9, UBND TP.Hồ Chí Minh tổ chức họp báo về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Tại đây, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc sở Công thương TP.HCM cho biết, cơ quan này đã tham mưu cho UBND TP.HCM tính toán, đề xuất gợi ý các quận, huyện triển khai các mô hình, cách thức mở chợ truyền thống đáp ứng nhu cầu của người dân.

“Sau khi mô hình đi chợ hộ hoạt động ổn định, thành phố sẽ tính toán mở lại chợ truyền thống. Ngành công thương đang tích cực làm việc với các đơn vị, ban ngành liên quan để dự kiến vào ngày 7/9 sẽ mở lại chợ đầu mối Bình Điền, giúp cho việc cung ứng nguyên liệu bếp ăn, các cửa hàng,…giảm bớt áp lực”, ông Phương cho biết.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc sở Công thương TP.HCM.

Đối với công tác đảm bảo lương thực thực phẩm cho người dân TP.HCM, Phó Giám đốc Nguyễn Nguyên Phương cho rằng, cần tách biệt các loại thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến để có phương án cung ứng phù hợp.

Về lương thực tươi sống, từ lúc triển khai từ vùng nguồn nguyên liệu, sản xuất, thu hoạch cho tới vận chuyển hàng hóa về TP.HCM, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Khi lương thực về đến thành phố, công tác dự trữ, phân phối, kể cả nguồn lực để phân phối hàng hóa trong nội tỉnh cũng không thuận lợi vì các quy định giãn cách phòng chống dịch bệnh.

“Trong 2 tuần qua, hoạt động đi chợ hộ gặp rất nhiều lúng túng trong những ngày đầu đã dần dần đi vào ổn định, phát huy hiệu quả. Nhưng ngành công thương và chính quyền quận, huyện đã nỗ lực hết sức, không để cho người dân thiếu thốn như chỉ đạo của UBND TP.HCM”, lãnh đạo sở Công Thương TP.HCM quả quyết.

TP.HCM đang tính toán mở lại chợ đầu mối Bình Điền vào ngày 7/9 để giảm áp lực cung ứng hàng hóa, phục vụ nhu cầu người dân.

Bên cạnh đó, thực phẩm chế biến có đặc thù có thời gian bảo quan lâu dài hơn. Tuy nhiên, hoạt động cung ứng hàng hóa liên quan đến mặt hàng này chưa được quan tâm đúng mức so với nhu cầu cung ứng thực phẩm.

Do đó, khi ghi nhận nhu cầu tăng lên đối với thực phẩm chế biến, sở Công Thương TP.HCM đã làm việc, rà soát với các hệ thống phân phối để không bị động, bất ngờ trong tình huống mới.

Các siêu thị thời gian vừa qua chưa được ưu tiên trong việc cung ứng hàng hóa, cụ thể là không được cấp giấy đi đường. Sở Công Thương TP.HCM đã cùng các hệ thống phân phối rà soát, tính toán lại.

“Trước mắt, chúng tôi thông tin cho các nhà cung cấp lớn, những đơn vị có hệ thống kho trung chuyển dự trữ hàng hóa số lượng lớn, có đội ngũ xe chuyên chở nhiều thì sẽ được ưu tiên cấp giấy đi đường cho những đơn vị này để tăng nguồn cung thực phẩm chế biến”, ông Phương cho hay.

Về việc mở lại các chợ truyền thống, ông Phương cho biết, đây là phương án giúp tăng nguồn cung hàng hóa phục vụ cho người dân.