Sự kiện

TP.HCM và các tỉnh phía Nam “căng mình” chống dịch tả heo châu Phi

Sau khi tỉnh Đồng Nai công bố dịch tả heo châu Phi, cơ quan chức năng TP.HCM đã lập tức tăng cường kiểm soát nguồn thịt heo vào TP.HCM. Đồng thời, một cơ chế phối hợp trực tiếp giữa các chi cục Thú y & Chăn nuôi đang được thiết lập để đảm bảo giám sát chặt chẽ.

Trước việc dịch tả heo châu Phi được công bố xuất hiện tại tỉnh Đồng Nai, có nguy cơ ảnh hưởng đến TP.HCM, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục Trưởng chi cục Thú y & Chăn nuôi TP.HCM.

Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục Trưởng chi cục Thú y & Chăn nuôi TP.HCM khuyến cáo người chăn nuôi nên bình tĩnh. (Ảnh: Hà Nhân).

Thưa ông, thông tin dịch tả heo châu Phi ở Đồng Nai vừa được công bố. Ông đánh giá ra sao về tình hình này?

Khi tiếp nhận thông tin từ một số hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có dấu hiệu dịch bệnh tả heo châu Phi, chúng tôi đã đặt lịch làm việc với chi cục Thú y & Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai. Sau buổi làm việc ngày 2/5, chúng tôi xác định dịch bệnh đã xuất hiện và diễn biến phức tạp trên địa bàn.

Đây là tín hiệu rất đáng lo ngại vì Đồng Nai là nơi có tổng đàn chăn nuôi lớn, số lượng cung cấp thịt heo cho TP.HCM và các tỉnh miền Nam rất cao, có thể ảnh hưởng đến tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm cho cả vùng Nam bộ.

Như vậy, phía cơ quan chức năng của TP.HCM đang chuẩn bị công tác ứng phó, xử lý như thế nào?

Ngay từ tháng 1/2019, chúng tôi đã tham mưu cho UBND TP.HCM về kế hoạch hành động khẩn cấp phòng chống dịch tả heo châu Phi dù chưa phát hiện tại Việt Nam. Đến tháng 3 – 4 vừa qua, dịch bệnh đã xuất hiện và lan rộng ở các tỉnh phía Bắc, chúng tôi tiếp tục tham mưu bổ sung một số giải pháp cụ thể hơn cho lãnh đạo TP.HCM.

Hiện nay, TP.HCM đã khởi động phòng chống dịch bệnh theo tình huống 2, tức là khi dịch bệnh xuất hiện tại các tỉnh giáp ranh và có cung cấp nguồn heo cho thành phố.

Qua làm việc với các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai, chúng tôi đã thống nhất về quy trình xử lý. Đối với đàn heo sống đi vào TP.HCM sẽ bị giới hạn bằng 2 tuyến đường. Khi đi QL1A thì trình phúc kiểm tại trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức. Khi đi tuyến QL1K thì trình phúc kiểm ở trạm kiểm dịch động vật Xuân Hiệp. Còn nguồn heo nhập từ cơ sở giết mổ thì không được đi các tuyến cao tốc mà bắt buộc phải đi theo 2 tuyến đường này để phun thuốc tiêu độc khử trùng trước khi vào các cơ sở giết mổ của TP.HCM.

Các chốt kiểm dịch đã được tăng cưởng tại Đồng Nai. (Ảnh: Lê Lâm).

Riêng với heo từ Đồng Nai, quy định là bắt buộc phải có giấy chứng nhận kiểm dịch có ghi rõ nguồn gốc từ hộ chăn nuôi, đến xã, huyện, tỉnh để giám sát chặt chẽ. Tuyệt đối nguồn heo từ các xã có dịch của Đồng Nai không được đưa vào TP.HCM.

Ngoài ra, chúng tôi cũng tăng cường phối hợp, lập kênh liên lạc trực tiếp từ 2 chi cục để cập nhật tình hình, các xã có dịch phải đình chỉ hoạt động các cơ sở giết mổ.

Đối với công tác kiểm tra tại các trạm kiểm dịch, TP.HCM sẽ tăng cường ra sao?

Tất nhiên, công tác kiểm soát nguồn heo sống, lập thêm các chốt kiểm dịch tạm thời bên cạnh các chốt kiểm dịch đã có đang được triển khai. Tuyến đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây, đoàn kiểm tra liên ngành số 2 sẽ trực 24/24. Tuyến đường cầu Phú Long, giáp ranh TP.HCM và tỉnh Bình Dương cũng có 1 chốt kiểm dịch do UBND quận 12 giám sát. Huyện Củ Chi cũng lập thêm 2 chốt kiểm dịch để tăng cường kiểm tra.

Ngoài ra, tuyến đường đi bằng phà Cát Lái dù đã không cho vận chuyển gia súc nhưng cũng đề phòng, tăng cường kiểm tra, do đoàn kiểm tra liên ngành của quận 2 phụ trách. Quận Thủ Đức cũng lập đoàn kiểm tra lưu động chốt tại ngã tư Bình Phước.

Còn đối với hành vi vận chuyển trái phép thì chúng ta sẽ áp dụng biện pháp xử lý gì, thưa ông?

Hiện nay, quy định về vận chuyển không có giấy chứng nhận kiểm dịch với thịt heo là đưa vào các kho lạnh để lấy mẫu xét nghiệm, nếu kết quả âm tính thì được giải tỏa hàng. Còn với heo sống, đưa về nhốt ở trạm kiểm dịch Hóc Môn, nếu kết quả âm tính sẽ xử phạt hành chính và giải phóng hàng.

Trong kế hoạch của UBND TP.HCM, khi dịch phát hiện, nếu phát hiện vận chuyển trái phép, cơ quan chức năng có quyền tịch thu và tiêu hủy, không cần xét nghiệm. Vì nếu giữ lại sẽ như quả bom nổ chậm cho an toàn thực phẩm của thành phố khi bệnh này có thời gian lưu bệnh khá dài, từ 4 – 19 ngày.

Tăng cường giám sát nguồn heo đưa vào TP.HCM để phòng dịch tả heo châu Phi. (Ảnh: Thành Trí).

Trước tình hình này, phía chi cục Thú y & Chăn nuôi TP.HCM có khuyến cáo gì đối với người chăn nuôi và người tiêu dùng?

Các hộ chăn nuôi phải thực hiện nghiêm túc tiêu độc khử trùng, hạn chế khách tham quan. Nếu cần thiết bán heo thì phải có khu vực riêng, không cho thương lái vào khu vực chăn nuôi. Chúng tôi đề nghị người chăn nuôi phải hết sức bình tĩnh, tránh tình trạng nhiều người cùng “bán chạy” đàn heo cùng lúc khiến cho thương lái ép giá, gây thiệt hại kinh tế.

Đồng thời, người chăn nuôi phải tự giác khai báo trường hợp xảy ra dịch bệnh để ngành chức năng khoanh vùng xử lý kịp thời, tránh việc “bán chạy” gia súc bệnh sẽ khiến dịch bệnh lây lan rộng hơn. Tuyệt đối là không vứt ra môi trường nước, nơi công cộng.

Với người tiêu dùng, chúng tôi khuyên mọi người nên yên tâm và tiếp tục sử dụng thịt heo đã có kiểm dịch từ cơ quan chức năng nhằm chung tay chia sẻ.

Có ý kiến cho rằng cần phải phong tỏa nguồn heo từ các tỉnh khác vào TP.HCM để chống dịch, ông nhận định ra sao về việc này?

Nhu cầu tiêu thụ thịt heo của TP.HCM là cực kỳ lớn. Nhưng nguồn heo thịt vốn không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân. Như vậy, giải pháp tối ưu là thực hiện kế hoạch giám sát chặt nơi có heo bị dịch bệnh. Nơi vẫn còn an toàn thì vẫn được phép vận chuyển, nhập hàng vào TP.HCM.

Nếu phong tỏa toàn bộ heo từ các tỉnh khác vào TP.HCM thì người dân không đủ thực phẩm. Và điều này cũng sẽ tạo nên áp lực cho các tỉnh khác khi không thể xuất hàng. Hiện tượng vận chuyển heo sống từ Đồng Nai về Long An để giết mổ rồi vận chuyển ngược về TP.HCM khá phổ biến nên hôm nay (8/5), chúng tôi đã làm việc với các ngành chức năng tỉnh Long An, sắp tới là Tiền Giang, Bình Dương, Bến Tre,...để phối hợp giám sát.

Cảm ơn ông!

TP.HCM tăng cường đối phó khi dịch tả heo châu Phi xuất hiện ở Đồng Nai.