Tiêu dùng & Dư luận

TP.HCM triển khai combo 10kg nông sản giá 100.000 đồng cho người dân

Chương trình nông sản combo 10kg/túi với giá 100.000 đồng đang được triển khai tại TP.Hồ Chí Minh từ nay đến hết ngày 15/9 theo đề xuất tổ công tác thuộc bộ NN&PTNT.

Tại họp báo của UBND TP.Hồ Chí Minh vào chiều tối 4/9, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đang triển khai gói combo 100.000 đồng/gói 10kg theo đề xuất của tổ công tác phía Nam của bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tổ công tác 970).

Combo 10kg hàng hóa này gồm 5 loại hàng hóa nông sản thiết yếu như: Rau củ quả, trái cây, lương thực, gạo, trứng, thủy hải sản... được sở Công Thương TP.HCM, sở NN&PTNT TP.HCM triển khai cùng UBMTTQVN TP.HCM và các quận, huyện, TP.Thủ Đức.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh thông tin về gói combo nông sản 10kg/túi giá 100.000 đồng đang được đẩy mạnh triển khai để đáp ứng nhu cầu lương thực thực phẩm cho người dân.

Theo đó, cách thức đặt hàng theo hướng dẫn của sở NN&PTNT TP.HCM gồm 5 bước: Gửi hình combo chào hàng đến người dân; tổng hợp nhu cầu và hẹn 3 ngày sau giao hàng; quét mã QR code đặt hàng trước 15h hằng ngày; trước 17h, đại diện Tổ 970 sẽ gọi điện lại phường xác nhận đơn hàng và lấy thông tin chuyển hợp tác xã (HTX) làm hợp đồng; hàng sẽ giao đến TP.HCM từ 4h đến 9h sáng hàng ngày.

Tính đến nay, người dân tại TP.Thủ Đức và quận Bình Thạnh đã đặt được 452 combo theo loại hàng hóa này với 120 combo thực phẩm và 332 combo trái cây.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, chương trình combo 10kg/túi do tổ công tác 970 triển khai đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng như người có nhu cầu tại TP.Hồ Chí Minh, góp phần hạn chế người dân ra ngoài mua sắm, giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

Hàng ngày, tổ công tác 970 sẽ gửi hình combo nông sản chào hàng đến người dân và các phường. Thời gian giao hàng đến TP.HCM từ 4 - 9h sáng hàng ngày từ nay đến 15/9. Trung bình mỗi đơn hàng của phường ít nhất 250 combo và đặt trước 1 ngày. 

Các hợp tác xã tại tỉnh An Giang cung cấp combo nông sản có giá 100.000 đồng/túi 10 kg, gồm 5 loại rau củ như: cải thìa, đậu bắp, củ cải trắng, bắp nếp hoặc khoai lang; hoặc combo nông sản với giá 250.000 đồng/túi, gồm các loại rau, củ và bổ sung thêm trứng, dưa muối, các loại cá khô, trái cây.

Với lợi thế có sản lượng thủy sản lớn, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau xây dựng các combo thủy hải sản và rau củ với giá 350.000 đồng/túi 5kg gồm 1kg cá nục gai, 1kg cá ngừ, 1kg cá chỉ vàng và 2kg cà phổi, dưa leo; hoặc combo khác có giá 350.000 đồng/kg với sự kết hợp của 4 loại cá.

Một số doanh nghiệp có nông trại lớn ở Đông Nam Bộ cũng đã tình nguyện phối hợp với tổ công tác 970 để đưa nông sản chất lượng cao tới người dân. Ví dụ như Unifarm Bình Dương đang chuẩn bị túi combo dưa lưới, chuối và cam sành, số lượng lớn, giá cả hợp lý.

Đến nay, chương trình đã thúc đẩy việc xây dựng mạng lưới các nhà kho nhận hàng và có khả năng cung cấp cho TP.HCM từ 80.000 - 100.000 túi lương thực, thực phẩm/ngày (tương đương với 800 - 1.000 tấn sản phẩm/ngày).

TP.HCM đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để quyết tâm kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trước ngày 15/9.

Báo cáo thường kỳ tháng 8 của cục Thống kê TP.HCM cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 của TP.Hồ Chí Minh đã tăng 0,33% so với tháng trước và tăng 3,83% so với tháng 8/2020.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,38% so với tháng trước, trong đó chỉ số giá nhóm lương thực tăng 1,59%, chủ yếu do gạo tăng 0,50%.

Nhóm bột mì và ngũ cốc khác tăng 8,33%, nhóm lương thực chế biến tăng 2,07%. Giá các mặt hàng này tăng cao do nhu cầu mua dự trữ tăng, nguồn cung tăng giá.

Tương tự, chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 2,71% so với tháng trước như thịt gia súc tăng 2,57%, thịt gia cầm, thịt chế biến đều tăng.

Trứng các loại tăng 7,38%, thủy sản tươi sống tăng 4,99%. Còn rau tươi, khô và chế biến tăng 5,39%; quả tươi, chế biến tăng 4,36%.

Báo cáo phân tích của cục Thống kê TP.HCM chỉ ra, một số nguyên nhân làm chỉ số giá tăng là do TP.HCM tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhu cầu dự trữ hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm của người dân cũng tăng cao.

Trong khi đó, nguồn cung hàng hóa vẫn còn hạn chế khi nhiều chợ đầu mối, chợ truyền thống vẫn đang tạm ngưng hoạt động để phòng chống dịch. Ngoài ra, chi phí vận chuyển hàng hóa trong thời gian này cũng tăng lên.