Sự kiện

TP.HCM tính toán giãn cách xã hội tại khu vực có dịch Covid-19

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp tại TP.HCM, Thủ tướng Chính phủ đồng ý để chính quyền địa phương sử dụng biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn.

Cần xem xét giãn cách xã hội

Chiều 8/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19. Tham dự có lãnh đạo một số địa phương tại các điểm cầu trực tuyến.

Cuộc họp được tổ chức trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tại Hải Dương, Quảng Ninh đang dần được khống chế. Tuy nhiên, tình hình tại Hà Nội và TP.HCM lại đang diễn biến khó lường.

Đặc biệt, địa phương trọng điểm phía Nam đã phải phong toả hàng loạt địa điểm vì 25 ca mới dương tính SARS-CoV-2 mới phát hiện trong 24h qua.

Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đã có buổi họp trực tuyến với TP.HCM, đưa ra nhiều kiến nghị với địa phương.

“Tình hình dịch tại TP.HCM khá phức tạp, do vậy bộ Y tế đã thành lập bộ phận thường trực phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ tại TP.HCM. Cùng lúc này, Thử trưởng Nguyễn Trường Sơn đang vào TP này để phối hợp tìm giải pháp chống dịch”, ông Long nói.

Người đứng đầu bộ Y tế kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo chính quyền TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội ở một số khu vực theo Chỉ thị 16, áp dụng các biện pháp trong Chỉ thị 15. Bởi lẽ, “công tác phòng chống dịch là xuyên Tết, không có Tết”.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM đang diễn biến phức tạp.

Báo cáo tại buổi họp, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức thông tin: “Qua phân tích đặc điểm dịch tễ, nhiều trường hợp nhân viên sân bay âm tính nhưng người nhà lại dương tính.

Nên có thể nhận định, ổ dịch sân bay Tân Sơn Nhất có thể đã tồn tại từ trước đó, chưa xác định được nguồn lây, thời điểm khởi đầu và có khả năng lây lan ra cộng đồng”.

Chính quyền TP.HCM đồng tình với phương án xem xét áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng, thực hiện giãn cách xã hội tại một số khu vực nếu cần thiết.

“Các sự kiện của thành phố đã lên kế hoạch thời gian tới sẽ giảm quy mô xuống mức tối thiểu. Hoạt động nghi lễ, tôn giáo, tập trung đông người chưa cần thiết sẽ tạm dừng”, ông Dương Anh Đức cho hay.

Việc truy vết F1, F2 của 29 ca nhiễm virus SAR-CoV-2 đang được thực hiện quyết liệt, triệt để. Trong 8/2, TP.HCM sẽ hoàn tất lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ ca tiếp xúc với các trường hợp này.

Mạnh mẽ, quyết liệt trước tình hình xấu

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá: “Trong đợt dịch lây nhiễm thứ 3, các cơ quan chức năng đã làm rất quyết liệt, kịp thời và rất sáng tạo, có nhiều cách làm rất hay.

Vì thế, ổ dịch ở Vân Đồn (Quảng Ninh) và Chí Linh (Hải Dương) cơ bản kiểm soát được. Nhìn lại Đà Nẵng trước đây mất 39 ngày mới hết, 23 ngày mới kiểm soát được. Lần này chỉ 3 ngày đuổi kịp, 8 ngày cơ bản kiểm soát”, ông Đam nói.

Theo ông Đam, hiện nay có nhiều dự đoán về nguyên nhân phát sinh ca nhiễm tại TP.HCM. Có dự đoán lây từ sân bay Tân Sơn Nhất, có dự đoán do người vượt biên trái phép từ nước ngoài.

Nhưng chỉ có thể kết luận rằng khó khăn tại TP.HCM là theo xét nghiệm hiện tại cho thấy có trường hợp đã mắc bệnh trong thời gian tương đối dài.

“Cho nên, tôi đề nghị TP.HCM huy động tối đa năng lực lấy mẫu xét nghiệm bằng các nguồn khác nhau. Trong thời gian ngắn nhất, lãnh đạo Thành phố này và bộ Y tế cần phác họa được bức tranh tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM”, ông Đam nhận định.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho phép TP.HCM áp dụng giãn cách xã hội nếu cần thiết.

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói: “Các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Gia Lai tiếp tục duy trì các phương án đã thực hiện. Riêng TP.HCM và Hà Nội, yêu cầu cần có phương án riêng phù hợp. Việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16 là cần thiết”.

Theo đó, Thủ tướng cho phép chính quyền các địa phương có dịch bệnh được áp dụng những biện pháp mạnh tay để phòng tránh lây lan dịch bệnh.

“Đã có 7 quận, huyện có dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM. Tôi đồng ý với đề xuất giãn cách xã hội ở một số khu vực có dịch bệnh tại TP.HCM của Bộ trưởng Y tế”, Thủ tướng nói.

Một số địa phương, nhất các thành phố lớn cần chuẩn bị các kịch bản có thể xảy ra. Trong đó, TP.HCM có nhiều điểm lây nhiễm không chỉ vận động thực hiện nghiêm 5K mà còn yêu cầu xử lý nghiêm vi phạm.

“Hiện tượng lây nhiễm tại TP.HCM đang diễn ra. Tình hình hết sức xấu. Do vậy, toàn bộ hệ thống y tế, hệ thống chính trị với sự lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương phải vào cuộc quyết liệt”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo

Ngành y tế và địa phương phải tăng cường xét nghiệm trên diện rộng những khu vực dễ lây nhiễm như bệnh viện, khu sân bay… để truy vết, phát hiện nhanh.

Đồng thời, tất cả các địa phương cần tham mưu đề xuất sử dụng các nguồn lực, kể cả vật tư, thực phẩm, bệnh viện dã chiến… để thực hiện nhanh việc phòng, chống dịch bệnh.