Sự kiện

TP.HCM “thất thủ” với mưa lớn: Ngập lụt khắp phố, người dân oằn mình chống “giặc nước” đến bao giờ?

Bão số 9 gây ra trận mưa lịch sử vào ngày 25/11/2018 đã nhấn chìm hơn 40 điểm tại TP.HCM. Điều đáng nói, mức độ ngập “xưa nay hiếm” nhưng vẫn là những “rốn ngập” quen thuộc.

Xe chết máy, ngủ cả đêm trên xe chờ cứu hộ

Người Sài Gòn bất lực trước mênh mông biển nước sau cơn bão số 9. Điển hình như ở đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7), Nguyễn Hữu Cảnh, Xô Viết Nghệ Tĩnh(quận Bình Thạnh), Nguyễn Thị Định, Nguyễn Duy Trinh (quận 2), Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức), Lê Văn Việt, Đỗ Xuân Hợp (quận 9)... Đặc biệt, nhiều tuyến đường đã ngập sâu trên 1m, khiến cho giao thông hết sức hỗn loạn và nhiều phương tiện bị chết máy nằm ngâm nước cả đêm.

Anh Nguyễn Văn Bình, ngụ quận 12, TP.HCM cho biết: “Tôi tham gia lưu thông trên đường Phan Huy Ích (quận Gò Vấp), tuy nhiên, do mưa lớn, nước ngập sâu cả mét khiến xe bị chết máy nên phải ngủ cả đêm trên xe. Đến sáng 26/11 tôi  mới gọi được xe cẩu đến kéo về trạm sửa chữa, dự kiến phải hết 40 – 50 triệu đồng. Thật là kinh khủng”.

Đại diện trung tâm Điều hành Chương trình Chống ngập nước TP.HCM cho biết: “Để giải quyết tình trạng ngập, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp. Điển hình như trong cơn bão số 9 vừa qua, đơn vị đã huy động lực lượng khoảng 700 người để thực hiện công tác thoát nước, vớt rác ở các miệng cống/điểm thoát nước. Đồng thời cũng đã huy động 27 máy bơm thực hiện bơm thoát nước từ trưa 25/11. Ngoài ra, trung tâm này còn điều hàng chục xe cẩu, xe tải, xe hút nước và các máy bơm dự phòng để tham gia chống ngập nhưng do mưa lớn nên việc thoát nước là không đáng kể. Chúng tôi “lực bất tòng tâm””.

Thực tế, ngoài trận mưa lớn này thì những điểm nêu trên cũng thường xuyên diễn ra tình trạng ngập trong nhiều năm qua. Dù vậy, việc chống ngập không chỉ ít được cải thiện mà có dấu hiệu ngày càng nặng nề hơn, đặc biệt là khi có triều cường kết hợp mưa lớn.

“Dù ngập lụt nghiêm trọng nhưng trong trận mưa ngày 25/11, TP.HCM vẫn may khi  triều cường không đạt đỉnh. Nếu không thì TP.HCM đã bị nhấn chìm trong nước với diện tích nặng nề hơn, chứ không như đợt vừa rồi”, kiến trúc sư Nguyễn Tuấn Đạt nhận định.

Cảnh cứu hộ xe chết máy.

Trong khi đó, phân tích về nguyên nhân gây ngập do mưa, TS. Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch hội Tư vấn Khoa học công nghệ & Quản lý TP.HCM (HASCON), Viện trưởng viện Điện - Điện tử- Tin học (EEI) lại cho rằng: “Nước mưa đổ xuống, thiếu đường thoát, thoát không kịp, dẫn đến úng cục bộ tại các vùng trũng của thành phố. Đây là vấn nạn úng ngập ngày càng nghiêm trọng của TP.HCM”.

Đổ cả nghìn tỷ nhưng vẫn lực bất tòng tâm?

Cũng theo TS. Phúc thì hệ thống ngầm thoát nước của TP.HCM do người Pháp, người Mỹ xây dựng trước đây là rất tốt, cho đến năm 1990 thành phố không hề bị úng ngập. Nhưng theo thời gian, hệ thống này đã cũ, xuống cấp, hư hỏng nhưng không đủ tiền để duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, dẫn đến tắc nghẽn nhiều nơi.

“Nghiêm trọng hơn, sau năm 1990, chúng ta xây dựng mới, dần dần mở rộng TP.HCM lớn hơn gấp ba so với diện tích trước đó, nhưng lại không chú ý đảm bảo hệ thống thoát nước, dẫn đến ngập úng là đương nhiên. Đến năm 2000, tình trạng ngập do nguyên nhân này hết sức nghiêm trọng. TP.HCM và Chính phủ đã thuê tư vấn nước ngoài, là cơ quan Hợp tác Nhật Bản (JICA) thiết lập Quy hoạch chống ngập cho thành phố”, TS. Phúc cho biết thêm.

Nội dung chính của Quy hoạch là: Sửa chữa hệ thống cống rãnh cũ, xây dựng hệ thống cống rãnh thoát mới, khai thông các kênh rạch, dự tính thực hiện trong 10 năm, từ năm 2000 đến 2010, với tổng kinh phí là 10 tỷ USD. Quy hoạch này được TP.HCM, bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chính phủ phê duyệt.

“Nhưng thực tế là chúng ta không có tiền để thực hiện. Cho đến năm 2018, chúng ta mới đi vay được khoảng trên 2 tỷ USD để thực hiện một phần nhỏ, khoảng hơn 1/5 công việc của quy hoạch này. 18 năm trôi qua, nhưng còn gần 4/5 số lượng công trình chống ngập của Quy hoạch năm 2000 vẫn chưa làm. Như vậy, hết ngập làm sao được!”, TS. Phúc ưu tư phân trần.

“Thực tế đó dẫn đến câu cửa miệng của dân gian “càng chống càng ngập”. “Càng ngập” là vì tình trạng ngập có trước năm 2000 chưa xử lý được bao nhiêu, cống rãnh ngày càng xuống cấp, hư hỏng không có tiền tiếp tục sửa chữa, lại thêm hàng loạt các khu đô thị mới, các công trình xây dựng mới thiếu hẳn hệ thống thoát nước ra kênh rạch”, chuyên gia này phân tích thêm.

Ông cũng cho rằng, trong dân gian còn truyền miệng câu “càng đổ nhiều tiền càng ngập....”. Thật ra câu này không chính xác, vì tuy đã đổ ra rất nhiều tiền, hơn 2 tỷ USD, nhưng chưa “nhằm nhò” gì so với yêu cầu 10 tỷ USD.

Phải dừng ngay việc san lấp vùng trũng

Theo TS. Phúc thì: “Tình trạng ngập của thành phố chắc chắn còn kéo dài 10 năm, 20 năm hay lâu hơn nữa, mấu chốt là ở chỗ chúng ta không có tiền”. Còn thông tin mà PV có được, trong vòng 10 năm qua, TP.HCM đã đầu tư gần 27.000 tỷ đồng cho các dự án chống ngập. Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc trung tâm Chống ngập TP.HCM cho biết: “Trong giai đoạn 2016 – 2020, thành phố cần tới trên 73.000 tỷ đồng cho công tác chống ngập”. Như vậy, TP.HCM đang cần thêm hơn 40.000 tỷ đồng để chi cho công tác này.

Thế nhưng, theo PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Phó Giám đốc sở Xây dựng TP.HCM cho rằng: “Nhiều dự án chống ngập hiện nay đang được triển khai, tuy nhiên, đến khi hoàn thành, đưa vào hoạt động thì nơi đó vẫn ngập. Dù vậy, điều đáng nói là không có đơn vị nào chịu trách nhiệm”.

Và những giải pháp có lẽ ai cũng biết, cũng thấy... nhưng vì nhiều lý do khác nhau vẫn khó thực hiện. “Có một điều chúng ta có thể làm được, để chấm dứt tình trạng đỉnh triều cường càng ngày càng dâng cao, nhưng có lẽ không ai muốn làm, là dừng san lấp những không gian chứa nước tự nhiên, tuy còn lại rất ít ỏi. Chúng tôi đã cảnh báo triều cường sẽ tiếp tục dâng cao nếu chúng ta tiếp tục san lấp vùng trũng. Hay chúng tôi đã kiến nghị việc mở rộng và phát triển thành phố nên hướng về phía Củ Chi, Thủ Đức là vùng đất cao không cần san lấp... Nhưng những kiến nghị của chúng tôi bị mọi người bỏ qua”, TS. Phúc nói.

“Hậu quả là đỉnh triều cường tiếp tục dâng cao, năm 2018 đã dâng lên 1,7m. Kể từ ngày có cảnh báo đầu tiên của chúng tôi, đỉnh triều cường đã tăng thêm 20cm, và sẽ tiếp tục tăng cao nữa trong tương lai nếu chính quyền không có chiến lược và quy hoạch chế tài việc san lấp và định hướng phát triển thành phố về vùng cao”, TS. Phúc dự báo.

Về các giải pháp chống ngập, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng: “Công tác chống ngập không có sự đồng bộ, nơi này hết nhưng nơi khác lại ngập. Đã đến lúc phải đánh giá lại một cách toàn diện và đồng bộ, thậm chí, tính đến từng khu vực, vị trí cụ thể để có những giải pháp mang tính bền vững, lâu dài”.   

Thanh Tùng