Sức khỏe

TP.HCM: Số lượng bệnh nhân chuyển nặng vì Covid-19 giảm đáng kể

Qua nhiều ngày nỗ lực, ngành Y tế TP.HCM ghi nhận tín hiệu lạc quan về tình hình dịch Covid-19 khi số bệnh nhân chuyển nặng, chuyển viện đã giảm.

Chiều tối 10/9, UBND TP.HCM họp báo về tình hình phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Liên quan đến việc cho phép tiêm trộn vắc-xin đã được bộ Y tế hướng dẫn, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc sở Y tế TP.HCM cho biết, trong trường hợp nguồn cung vắc-xin phòng Covid-19 bị thiếu thì bộ Y tế đã có hướng dẫn tiêm trộn mũi 2 Pfizer cho người đã tiêm mũi 1 AstraZeneca.

"Thời gian gần đây, bộ Y tế đã họp hội đồng khoa học và thống nhất cho phép tiêm trộn Pfizer (mũi 1) với Moderna (mũi 2); cũng như Astrazeneca (mũi 1) trộn với Moderna (mũi 2)", bác sĩ Nam thông tin.

Cũng theo ông Nguyễn Hoài Nam, quyết định này dựa trên chứng cứ khoa học và công nghệ sản xuất từng loại vắc-xin. Sở Y tế TP.HCM đã có hướng dẫn và cho phép các đơn vị tổ chức tiêm chủng, tuân thủ các yêu cầu đảm bảo an toàn từ sàng lọc trước, theo dõi sau tiêm và giám sát sự cố sau tiêm, quy trình hồi sức cấp cứu.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc sở Y tế TP.HCM tại buổi họp báo của UBND TP.HCM chiếu tối 10/9.

Đối với người nước ngoài tại TP.HCM, quan điểm của Thành phố là không phân biệt người có quốc tịch nước ngoài trong công tác tiêm chủng.

Ngành y tế TP.HCM cũng đã tổ chức cho người nước ngoài với nhiều quốc tịch như Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp... được tiêm chủng mũi 1 và sẽ tiêm mũi 2 khi đến lịch.

Về số ca F0 nhập viện hàng ngày, lãnh đạo sở Y tế TP.HCM cho hay, trung bình mỗi ngày hiện nay có khoảng 3.500-4.000 ca nhập viện.

Tình trạng của đa số các bệnh nhân là nhẹ, không triệu chứng nên rất nhiều trường hợp F0 sau khi phát hiện bệnh đã được chăm sóc tại nhà.

"TP.HCM và các đơn vị Trung ương đang hỗ trợ chống dịch tiếp tục mở các cơ sở y tế như bệnh viện Hồi sức 5G đặt tại bệnh viện Y học cổ truyền quân đội, quận 6… và trong thời gian tới sẽ tiếp tục mở các bệnh viện hồi sức nhằm đáp ứng công tác điều trị.

Bên cạnh đó, TP.HCM có nhiều giải pháp hỗ trợ công tác điều trị như gói thuốc A, B, C. Thuốc được bộ Y tế cấp hoặc từ nhà tài trợ để sử dụng cho các bệnh nhân chuyển nặng. Trong giai đoạn hiện nay, năng lực điều trị của thành phố tương đối được đảm bảo.

“Trước đây, hàng ngày đi trên đường, số xe cấp cứu rất nhiều, nhưng gần đây đã ít đi. Điều này cho thấy, dấu hiệu bệnh nhân chuyển nặng, bệnh nhân chuyển viện giảm đi đáng kể”, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam nói.

Về điều kiện tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 đến 18 tuổi, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho hay, đến nay, bộ Y tế chưa ban hành hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

“Ở các nước trên thế giới, vắc-xin phòng Covid-19 của hãng Pfizer được nhà sản xuất khuyến cáo tiêm cho trẻ từ 12 đến 18 tuổi. Nhưng tại Việt Nam, bộ Y tế chưa có hướng dẫn thực hiện”, bác sĩ Tâm cho hay.

Trong ngày 9/9, TP.HCM có 3.700 bệnh nhân xuất viện, nâng tổng số ca xuất viện cộng dồn từ 1/1 đến nay là 144.024 người. Địa phương đã tiêm cho 7.307.738 người, trong đó, mũi 1 là 6.335.838 người và mũi 2 là 971.900 người. Số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 809.308 người.

TP.HCM đã trải qua hơn 100 ngày giãn cách xã hội. Từ ngày 23/8, địa phương siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, yêu cầu người dân “ai ở đâu ở yên đó”; người dân được “đi chợ hộ”.