Sự kiện

Tp.HCM: Sẵn sàng tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho 900.000 trẻ từ 5 đến 11 tuổi

Ngành y tế Tp.HCM đã chuẩn bị kỹ càng trong việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho nhóm trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, chỉ còn đợi phân bổ vắc-xin.

Chiều 28/3, trong buổi họp báo thông tin về phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế Tp.HCM, đại diện Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Tp.HCM (HCDC) cho biết, ngành y tế đã chuẩn bị kỹ càng trong việc tiêm ngừa vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi và sẽ tiến hành sau khi có hướng dẫn, phân bổ vắc-xin.

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Tp.HCM cho biết: “Hiện tại, Sở Y tế và Sở Giáo dục & Đào tạo Tp.HCM đang phối hợp rà soát lại với trẻ đang đi học có độ tuổi từ 5-11. Đối với trẻ ở lứa tuổi này nhưng chưa hoặc không đi học thì chính quyền địa phương sẽ lập danh sách”.

Tính đến hiện tại, Tp.HCM có 900.000 trẻ từ 5-11 tuổi, trong đó số lượng trẻ chưa hoặc không đi học là khoảng 12.000 trẻ.

Theo ông Tâm, trước đây, khi Bộ Y tế có chủ trương tiêm vắc-xin cho trẻ ở lứa tuổi 5-11, các trạm y tế đã có nhiều bước chuẩn bị để việc tiêm chủng được thực hiện tốt nhất có thể. Dựa trên kế hoạch, Tp.HCM sẽ triển khai ngay khi được Bộ Y tế hướng dẫn.

Về loại vắc-xin, ngành y tế sẽ sử dụng vắc-xin phù hợp với lứa tuổi này, còn về liều lượng và khoảng cách giữa các mũi tiêm sẽ theo hướng dẫn của nhà sản xuất và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

"Chúng tôi cũng phối hợp với Sở Giáo dục & Đào tạo tổ chức điểm tiêm chủng cố định, điểm tiêm lưu động. Cha mẹ và người giám hộ phải ký vào giấy đồng ý tiêm chủng. Tp.HCM tổ chức tập huấn về nhập liệu, khám sàng lọc cũng như tiêm cho trẻ... rất kỹ càng. Như vậy, chúng ta chỉ còn đợi hướng dẫn và vắc-xin được phân bổ là sẽ tiến hành ngay", ông Tâm cho biết.

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Tp.HCM cho biết, công tác tập huấn, chuẩn bị tiêm chủng phòng Covid-19 cho trẻ em của địa phương đã sẵn sàng.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế Tp.HCM tiếp lời, trong những đợt cao điểm, Tp.HCM đã tiêm từ 200-300 mũi tiêm/ngày, từng có 1.000-1.500 đội tiêm, tốc độ tiêm nhanh và thực hiện rất tốt.

Đợt này, Sở Y tế sẽ phối hợp tốt với Sở Giáo dục & Đào tạo Tp.HCM để nắm sát tình hình, số lượng trẻ và tổ chức các điểm tiêm phù hợp với điều kiện thực tế.

“Tùy vào số lượng trẻ em, nơi ở, học tập, Sở Y tế sẽ có sự phân bổ phù hợp. Tiêm cho trẻ em rất khác với tiêm cho người lớn, công tác chuẩn bị phải cẩn thận so với các đợt tiêm ngoài cộng đồng. Từ công tác sàng lọc đến sơ cấp cứu và những theo dõi, hướng dẫn với các bà mẹ trong xử lý khi trẻ sốt hay có tác dụng phụ sau tiêm nên thời gian qua, ngành y tế đã tập huấn rất nhiều cho các đội tiêm, cơ sở giáo dục… để có sự chuẩn bị tốt nhất”, bà Mai nói thêm.

Thông tin về việc cho F0 và F1 đi làm, đại diện Sở Y tế cho biết, Tp.HCM vẫn thực hiện theo hướng dẫn mới nhất về quản lý điều trị người F0 của Bộ Y tế. Trong đó nêu rõ thời gian cách ly điều trị của F0 là đủ 7 ngày, kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính với SARS-CoV-2.

Trường hợp 7 ngày mà kết quả vẫn còn dương, phải cách ly đúng 10 ngày đối với người tiêm đủ mũi vắc-xin ngừa Covid-19 theo quy định, 14 ngày với người không tiêm đủ mũi vắc-xin.

Đối với F1, trường hợp đã tiêm đủ 3 mũi vắc-xin sẽ thực hiện cách ly ngắn hơn so với F0. Vì thế, Tp.HCM sẽ thực hiện hướng dẫn này cho đến khi có hướng dẫn khác từ Bộ Y tế.

Ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế Tp.HCM thông tin, tính đến ngày 27/3, tại Tp.HCM có 592.197 trường hợp mắc bệnh được Bộ Y tế công bố.

Hiện, địa phương đang điều trị 3.657 bệnh nhân, trong đó có 329 trẻ em dưới 16 tuổi, 79 bệnh nhân thở máy, 5 ca phải chạy ECMO. Trong ngày, có 378 xuất bệnh nhân xuất viện và có 386 bệnh nhân nhập viện.

Về việc tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, đến ngày 27/3, tại Tp.HCM đã có hơn 88 triệu người tiêm mũi 1, còn mũi 2 là hơn 7,3 triệu người, trong khi mũi bổ sung là 680.009 người và mũi nhắc lại là hơn 4,2 triệu người.

Tp.HCM đang thực hiện chiến dịch bảo vệ người nguy cơ, được tiến hành từ đầu tháng 3 và kết thúc vào cuối tháng. Hệ thống đã lập danh sách có 240.858 người thuộc nhóm nguy cơ cao trên 65 tuổi, kèm bệnh nền.

Ngành y tế đã tầm soát được 41.926 người, trong đó, phát hiện 1.478 người mắc Covid-19. Những trường hợp mắc bệnh đều được phát thuốc Molnupiravir điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, có 2.983 người được tiêm vắc-xin phòng Covid-19.