Dân sinh

Tp.HCM: Qua mỗi đợt lấy mẫu, số ca dương tính Covid-19 giảm đáng kể

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tp.HCM (HCDC), qua mỗi lần lấy mẫu trong cộng đồng, tỉ lệ mắc Covid-19 có xu hướng giảm.

Chiều tối 12/9, UBND Tp.HCM họp báo thường ngày về công tác phòng chống Covid-19. Tại đây, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tp.HCM (HCDC) cho biết những tín hiệu lạc quan về việc lấy mẫu xét nghiệm diện rộng trong cộng đồng.

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách HCDC, cho biết Tp.HCM đã triển khai đợt xét nghiệm diện rộng từ 23/8 và dự kiến kết thúc vào 15/9 theo 5 vùng nguy cơ - xanh, cận xanh, vàng, cam, đỏ. Hiện nay, tất cả các vùng đã xong đợt xét nghiệm thứ hai, đợt xét nghiệm thứ ba đã thực hiện được 55%.

Tại vùng cam, đỏ thì tỉ lệ dương tính đợt 1 là 3,6%; đợt 2 là 2,7%; đợt 3 đang là 1,3%. Như vậy, qua mỗi đợt, tỉ lệ dương tính có giảm. Tỉ lệ dương tính tại vùng xanh là 0,78%, cận xanh là 1,27% và vùng vàng là 1,41%.

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tp.HCM.

Qua các kết quả này, ông Tâm đánh giá việc phân vùng theo màu của Tp.HCM khá chính xác khi tỉ lệ phát hiện ca nhiễm SARS-CoV-2 tại vùng nguy cơ thấp thuộc nhóm rất thấp.

Liên quan đến việc người dân tự test nhanh dương tính virus SARS-CoV-2 và tự điều trị tại nhà, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế Tp.HCM cho biết: “Điều này rất khó, bởi không có cơ sở để Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 địa phương cấp giấy công nhận đã từng là F0”.

Theo quy định hiện nay của Bộ Y tế và các công văn của UBND Tp.HCM thì khi có kết quả test nhanh dương tính SARS-CoV-2, thông tin về các trường hợp đó phải báo ngay cho trạm y tế địa phương để được quản lý, cấp các gói thuốc điều trị.

Bác sĩ Châu cho biết, sau khi tiêm 1 mũi vắc-xin phòng Covid-19, cơ thể có kháng thể bảo vệ ngăn chặn khả năng mắc bệnh và bệnh nặng. Khi tiêm đủ liều (2 mũi) thì cơ thể sẽ đạt kháng thể đầy đủ hơn, không bị bệnh nặng.

“Về mặt khoa học, các vắc-xin phòng Covid-19 hiện nay có tỉ lệ bảo vệ chống lại nhiễm bệnh dao động từ 70-80%. Nghĩa là, có khoảng 20% người sau khi tiêm vắc-xin vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh”, ông Châu nói.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế Tp.HCM.

Riêng đối với biến chủng Delta đang gây ra đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, có hiện tượng xuyên kháng hệ thống miễn dịch, tức là hệ thống miễn dịch do vắc-xin tạo ra trước đây đối với chủng Delta này không có đột biến. Hệ thống kháng thể, miễn dịch của cơ thể không ngăn chặn hoàn toàn được.

Vì vậy, biến chủng Delta làm cho nhiều người đã tiêm vắc-xin nhưng vẫn bị nhiễm bệnh. Khi đã nhiễm bệnh, một thống kê trên thế giới cho thấy, đối với người đã tiêm đầy đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 khi bị nhiễm bệnh sẽ được bảo vệ, không bị bệnh nặng, với tỉ lệ 90%.

“Như vậy với 90% người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin khi bị nhiễm bệnh đều nhẹ, không cần phải thở oxy, không cần phải điều trị tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn tỉ lệ 10% bệnh nặng, và tử vong. Có rất nhiều lý do, trong đó có lý do không phải trường hợp nào kháng thể cũng bảo vệ được cơ thể, trên tác động của virus đối với cơ thể”, ông Châu chỉ ra.

Lãnh đạo Sở Y tế Tp.HCM thông tin thêm, nguồn máu dự trữ hiện nay tại Thành phố này đang ở mức 3.000 túi. Vừa qua, Bệnh viện Truyền máu huyết học Tp.HCM tiếp nhận thêm 1.000 túi, được vận chuyển từ Viện Truyền máu huyết học Trung Ương từ ngày 1/9 để bảo đảm kho máu cung ứng cho địa phương. Đây là lần thứ hai Tp.HCM nhận chi viện từ Viện Truyền máu huyết học Trung ương.

Đồng thời, “Ngân hàng máu sống” vẫn được Tp.HCM duy trì và đặc biệt dành cho những trường hợp có nhóm máu hiếm, nhóm máu ít gặp qua sự sự điều hành của Trung tâm Hiến máu Nhân đạo Tp.HCM.