Giáo dục

TP.HCM: Nhiều trung tâm GDTX xin lùi thời gian thi học kỳ vì Covid-19

Vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều cơ sở giáo dục thường xuyên tại TP.HCM gặp khó khăn trong thực hiện chương trình học.

Ngày 11/3, sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM tổ chức sơ kết học kỳ I và đưa ra định hướng cho học kỳ II đối với hệ giáo dục thường xuyên.

Trong buổi làm việc, đại diện trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên quận 12 cũng như các địa phương khác gồm quận Tân Bình, quận Tân Phú, quận 10 và quận 11 đề xuất ý kiến về việc lùi thời gian thi học kỳ II đối với học viên lớp 9, lớp 12 và các cấp học khác.

Lãnh đạo trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên quận 12 cho rằng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các học viên phải chuyển sang học trực tuyến.

Nhưng vì nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan nên việc học trực tuyến không thể tiếp cận được tất cả các đối tượng học viên ở khu vực ngoại thành.

Điều này đã ảnh hưởng tới tiến độ học tập, dẫn đến cơ sở đào tạo phải bổ sung hoặc dạy lại một số kiến thức để đảm bảo chất lượng khi các học viên quay trở lại học trực tiếp.

Các trung tâm giáo dục thường xuyên bị chồng chéo với 3 cơ quan quản lý.

Bên cạnh đó, đại diện nhiều trung tâm cũng băn khoăn vì chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 áp cho hệ giáo dục thường xuyên còn nhiều điểm chưa phù hợp.

Đối với trung tâm tiếng Hoa, nếu không dạy giáo dục phổ thông mà chỉ dạy tiếng Hoa thì sẽ không có kết quả các khung như dạy chương trình giáo dục phổ thông để đánh giá.

Do đó, các đơn vị kiến nghị sở GD&ĐT TP.HCM cần xây dựng một khung, bộ môn phù hợp hơn nữa đối với các đối tượng.

Đồng thời, tình hình chưa có chỉ đạo cụ thể về chương trình sách giáo khoa lớp 6 cũng được nêu ra. Trong khi đó, sự bất cập trong cơ chế quản lý đối với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên còn xảy ra chồng chéo.

Bà Trần Thị Kim Thanh, Phó Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên của sở GD&ĐT TP.HCM nhận định: “Về ý kiến xin lùi thời gian thi học kỳ II đối với lớp 9, lớp 12 và các khối còn lại, phòng Giáo dục thường xuyên sẽ xin chỉ đạo của Sở và có văn bản thông báo kịp thời trong kế hoạch năm học”.

Còn đối với sách giáo khoa lớp 6 cho hệ giáo dục thường xuyên, dự kiến sẽ có các môn Toán, Ngữ văn, Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên, công nghệ và tiếng Anh.

Tuy nhiên, hiện tại các đơn vị giáo dục thường xuyên chỉ có giáo viên 7 môn, thiếu giáo viên môn công nghệ. Qua đó, phòng Giáo dục thường xuyên sẽ có đề xuất với Sở để tháo gỡ kịp thời cho khối lớp 6.

Liên quan tới bất cập trong cơ chế quản lý, lãnh đạo phòng Giáo dục thường xuyên cho biết, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đang chịu sự quản lý của 3 - 4 đầu mối.

Gồm có 2 hai Sở, ngành quản lý về chuyên môn là sở GD&ĐT và sở LĐ,TB&XH bên cạnh UBND các quận, huyện quản lý về mặt Nhà nước.

Cho nên, sự chồng chéo là thực tế đang diễn ra nhưng chưa có quy chế cụ thể về mặt tổ chức đối với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Ông Nguyễn Phúc Huy Tùng, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên đề xuất tổ chức thêm hội thảo để mời các bên liên quan, lắng nghe ý kiến từ nhà khoa học, nhà quản lý và nhà tuyển dụng để tư vấn phù hợp cho từng đơn vị, từng đối tượng học viên.

Khẳng định chức năng của hệ thống giáo dục thường xuyên, ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc sở GD&ĐT TP.HCM phát biểu: “Đây là năm học đầu tiên mà ngành giáo dục thực hiện theo luật giáo dục mới 2019, quy định giáo dục thường xuyên ngang hàng với giáo dục chính quy”.

Hệ thống giáo dục thường xuyên chỉ khác với chính quy ở môi trường, không gian, thời gian đào tạo theo tiêu chí giáo dục và học tập suốt đời. Từ đó, cần nhất quán rằng, giáo dục thường xuyên là nhiệm vụ quan trọng của địa phương để cấp quản lý chú ý đầu tư hơn nữa.