Kinh tế vĩ mô

Tp.HCM: Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục sản xuất

Hỗ trợ vốn, lãi suất vay, hoàn thuế sớm...là các giải pháp Tp.HCM đã và sẽ làm trong thời gian tới để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tối 8/10, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Thị Thắng đã tham gia buổi livestream "Dân hỏi - Thành phố trả lời" với chủ đề "Khôi phục kinh tế trong điều kiện bình thường mới".

Hoàn thuế sớm, miễn giảm thuế cho doanh nghiệp 

Nói về kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh Tp.HCM mới mở cửa trở lại, bà Phan Thị Thắng cho biết, kể từ đợt dịch đầu tiên năm 2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành 3 thông tư gồm 01, 03 và 14 về giãn nợ, khoanh nợ, không cho nhảy nhóm nợ. Do đó, nếu doanh nghiệp khó khăn mà chưa được hỗ trợ có thể phản ánh ngay tại NHNN chi nhánh Tp.HCM để được giải quyết.

Riêng với doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh, cá nhân khó tiếp cận ngân hàng, Phó Chủ tịch Tp.HCM cho biết đã giao Sở Công Thương cùng các quận, huyện và Thành phố Thủ Đức thiết lập chương trình hỗ trợ vốn cho các đối tượng này.

Theo đó, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có nhu cầu tiếp cận vốn sẽ đăng ký ở phường, quận và các hiệp hội doanh nghiệp trực thuộc. Các địa phương sẽ lập danh sách, rà soát và trên cơ sở đó đề xuất hỗ trợ.

Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM tại buổi livestream "Dân hỏi - Thành phố trả lời" tối 8/10. Ảnh: Lao Động. 

"Theo chính sách của Ngân hàng Chính sách Xã hội, cơ sở sản xuất được vay số vốn tối đa 2 tỷ đồng với lãi suất tùy thời kỳ, hiện nay là 7,92%/năm. Cá nhân được vay tối đa 100 triệu đồng/hộ với lãi suất 0,5%/tháng" - bà Thắng thông tin thêm.

Về chính sách hỗ trợ miễn giảm thuế, bà Phan Thị Thắng cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52 gia hạn thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp, cá nhân, hộ kinh doanh như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, tiền thuê đất... thay vì cuối tháng, cuối quý thì được gia hạn nộp thuế tới cuối năm.

Bên cạnh đó, trong Nghị quyết 68 của Chính phủ có chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh với mức 3 triệu đồng/người (có hợp đồng lao động, đăng ký kinh doanh, mã số thuế…). Thực tế, Tp.HCM cũng đã chi trả khoản này thời gian qua.

Ngoài ra, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh, Cục thuế Tp.HCM đã kết hợp với quận, huyện để hoàn thuế sớm hơn, ngay bây giờ thay vì cuối năm.

Doanh nghiệp được gia hạn thời gian nộp thuế cho đến cuối năm thay vì cuối tháng, cuối quý như trước đó. Ảnh: Bộ Công thương.  

Bên cạnh đó, bà Phan Thị Thắng cũng cho biết, Chính phủ đang có dự thảo nghị định về một số chính sách thuế với dự kiến giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 30% đối với các doanh nghiệp có doanh thu không quá 200 tỷ đồng trong năm qua; giảm 30% thuế giá trị gia tăng (VAT) cho doanh nghiệp ở một số lĩnh vực... Đặc biệt, dự kiến tất cả các hộ cá nhân kinh doanh sẽ được miễn toàn bộ thuế phải nộp của quý III và quý IV/2021. 

Hạch toán chi phí phòng chống dịch 

Về việc nhiều doanh nghiệp phải gánh chi phí “3 tại chỗ” và xét nghiệm cho người lao động, Phó chủ tịch Tp.HCM cho biết bà rất hiểu khó khăn của doanh nghiệp trong việc này.

Bà Thắng cho biết với mỗi lao động sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”, doanh nghiệp phải tốn chi phí từ 4- 5 triệu đồng/người/tháng. Với những doanh nghiệp có cả nghìn công nhân thì chi phí này là một gánh nặng lớn. Do đó, Tp.HCM đã linh hoạt trong việc này, hiện doanh nghiệp không nhất thiết phải thực hiện “3 tại chỗ”.

Vì chi phí quá nên Tp.HCM đã linh hoạt trong việc thực hiện "3 tại chỗ". Ảnh: Bộ Công thương. 

Về xét nghiệm, trong thời gian qua Tp.HCM hỗ trợ xét nghiệm miễn phí cho người lao động các doanh nghiệp. Tuy nhiên, với tình hình khó khăn hiện nay của Tp.HCM, bà Thắng cho rằng thành phố không thể bao cấp cho doanh nghiệp được nữa. Do đó, doanh nghiệp phải tự chủ động, sắp xếp theo tình hình thực tế. 

Tuy nhiên, để hỗ trợ doanh nghiệp, Tp.HCM đã có kiến nghị cụ thể, trình bày với tổ công tác đặc biệt của Chính phủ. 

Hỗ trợ người lao động kết nối lại với doanh nghiệp 

Liên quan đến vấn đề người lao động thất nghiệp, bà Phan Thị Hằng cho biết thời gian qua, số người về quê rất nhiều dù thành phố và các tỉnh, thành đã vận động bà con ở lại với thành phố, tiếp tục làm việc. Bà cho rằng sau thời gian nghỉ ngơi, một số trường hợp sẽ quay lại thành phố làm việc, một số khác sẽ chọn ở lại quê hương.

“Những ngày qua, thành phố nhận được thông tin người dân ở các địa phương đăng ký quay lại làm việc rất nhiều. Thành phố đã tính toán và hiện nay doanh nghiệp, hiệp hội, khu công nghiệp… sẽ tổng hợp danh sách người lao động ở các tỉnh” - bà Thắng nói và cho biết Sở GTVT sẽ kết nối với các tỉnh để đón người lao động trở lại Tp.HCM làm việc. Người nào mong muốn có việc làm có thể liên hệ cơ quan cũ hoặc đến trung tâm giải quyết việc làm của Sở LĐ-TB&XH hoặc Đoàn Thanh niên để được hỗ trợ miễn phí.

Kỳ vọng 1/11 mở lại một số tuyến liên tỉnh 

Cũng trong buổi livestream, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM cũng đã bày tỏ sự đồng cảm đối với một số ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề bới dịch bệnh Covid-19 như hàng không, du lịch, vận tải,... 

“Vận tải hành khách liên tỉnh có nghĩa là xe vận chuyển người đi qua các tỉnh khác. Như vậy sẽ có sự lệ thuộc đối với các tỉnh khác. Xe mình chạy đến tỉnh nào đó thì phải được tỉnh đó đồng ý. Sở GTVT Tp.HCM đã chủ động làm việc với các tỉnh, thành để có sự thống nhất về vấn đề đi lại liên tỉnh. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh của các tỉnh, thành. Sở GTVT đang tính toán và kỳ vọng ngày 1/11 sẽ tổ chức lại một số tuyến xe khách liên tỉnh, còn tỉnh nào thì chưa trả lời ngay được” - bà Thắng nói và cho biết từng bước sẽ mở rộng thêm.

Hương Anh (t/h từ Pháp luật Tp.HCM, Sài Gòn giải phóng, Lao Động)