Sự kiện

TP.HCM: Nguy cơ dịch Covid-19 từ sinh viên, công nhân về quê ăn Tết

Chiều 2/2, ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của TP.HCM tiếp tục họp để đảm bảo tình hình an toàn cho địa phương trong thời điểm sắp đến Tết Nguyên đán.

Nhiều lo ngại cho công nhân, người lao động

GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc sở Y tế TP.HCM báo cáo, tình hình dịch bệnh Covid-19 có dấu hiệu phức tạp khi tỉnh Gia Lai vừa phát hiện 5 ca dương tính.

Tại TP.HCM có 168 người nhiễm dịch, trong đó là 33 ca trong cộng đồng và 135 ca nhập cảnh. Các bệnh viện điều trị khỏi cho 152 ca, còn đang điều trị 16 trường hợp.

Cụ thể, sức khoẻ của 15 ca nhập cảnh đều ổn định, chỉ có 1 ca phát hiện trong cộng đồng (BN 1660) đang ho, đau đầu và mất khứu giác.

Ông Hứu Quốc Thuận, Trưởng ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX, KCN) TP.HCM cho biết, bằng việc phối hợp với doanh nghiệp, đơn vị này đã đưa ra nhiều khuyến cáo đến công nhân.

“Ai về quê đón Tết phải chấp hành quy định phòng chống dịch của cơ quan chức năng các địa phương khác. Cần hạn chế đến nơi không cần thiết, phải tự ghi lại lịch trình đi lại để cung cấp khi có yêu cầu. Khi trở lại TP.HCM, người lao động phải khai báo nghiêm túc. Nếu về từ vùng dịch hay dấu hiệu (sốt, ho) phải tự cách ly tại nhà”, ông Thuận nói.

Đồng thời, vị này cũng nêu những lo lắng của doanh nghiệp. Nhiều nơi có công nhân dự kiến về quê đón Tết được vận động ở lại Thành phố này. Qua đó, số lượng người lao động không về quê cũng tăng đáng kể.

Trước khi bùng dịch, thống kê cho thấy, có khoảng 65% - 70% người lao động không về quê vì trong năm đã về. Gần đây, tỷ lệ này tăng lên gần 75%, đối với tổng số 276 nghìn lao động các KCX, KCN trên địa bàn.

“Thêm nữa, từ đây đến mùng 6 Tết, nếu dịch xuất hiện thêm tại một số địa phương khác, người lao động trở về TP.HCM phải tự cách ly. Như vậy mức lương thưởng sẽ tính toán ra sao. Điều này dựa trên thoả thuận của doanh nghiệp và người lao động nhưng cũng phải dự đoán trước”, ông Thuận chỉ ra.

Đối tượng người lao động, sinh viên về quê ăn Tết rồi quay lại TP.HCM có nguy cơ cao cho công tác phòng chống dịch Covid-19.

Hiện nay, các chương trình thường niên để chăm lo cho công nhân dịp Tết Nguyên đán đã được điều chỉnh thay đổi hình thức gặp mặt hoặc huỷ bỏ để đảm bảo an toàn.

Ban Quản lý các KCX, KCN TP.HCM đề nghị phối hợp xây dựng mẫu kê khai, có thẩm định của ngành y tế để các KCX, KCN phối hợp công đoàn cơ sở thực hiện nghiêm túc, giám sát lịch trình của người lao động.

Còn ông Trần Quang Lâm, Giám đốc sở Giao thông Vận tải (GTVT) trình bày, thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM, đã cho dừng toàn bộ các xe đi và đến từ Hải Dương và Quảng Ninh. Mới đây, phối hợp với sở Giáo dục & Đào tạo và sở Lao động – Thương binh & Xã hội để dừng đào tạo, hạch giấy phép lái xe.

Tuy nhiên, trước tình hình mới tại Gia Lai, ông Lâm nêu ra băn khoăn: “Việc có dừng hoạt động giao thông với Gia Lai hay không đã được bộ GTVT giao quyền cho địa phương. Vì thế, cần xin ý kiến lãnh đạo Thành phố để nâng cao kiểm soát”.

An toàn là trên hết

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên đồng tình với nhận định của các Sở, ngành và quận, huyện, rằng nguy cơ lây lan dịch bệnh từ nhóm người trở về TP.HCM sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là rất lớn.

Nhưng việc có tạm dừng giao thông với Gia Lai hay không, phải cân nhắc kỹ vì người dân có thể đi đường vòng, từ Gia Lai qua Đắk Lắk, Lâm Đồng để về TP.HCM.

“Tình hình đang phức tạp, nhất là lúc sắp đón Tết Nguyên đán nên rất khó lường trước. Chúng ta phải cố gắng kiểm soát cơ bản để vui vẻ ăn Tết, tập trung nguyên tắc “an toàn là trên hết”. Các cơ quan chức năng chú ý, cảnh giác cao độ nhưng bình tĩnh, không để người dân hoảng hốt, bất an”, ông Nên nhấn mạnh.

Bí thư Nguyễn Văn Nên yêu cầu ngành y tế giữ vững năng lực xét nghiệm nhanh, khả năng khoanh vùng kiểm soát trong mọi tình huống.

“Việc điều chỉnh hoạt động các lễ hội, sẽ họp Thường trực Thành uỷ ngay lập tức để chỉ đạo chính quyền các cấp. Nhưng tinh thần là chương trình nào đã có kế hoạch thì vẫn tổ chức, tất nhiên phải điều chỉnh quy mô, áp dụng biện pháp phòng dịch. Chương trình nào không an toàn sẽ phải huỷ bỏ, không có ngoại lệ”, ông Nên cho hay.

Về phía UBND TP.HCM, Phó Chủ tịch Dương Anh Đức đề nghị thực hiện khai báo online với sinh viên và công nhân quay về TP.HCM sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vì đã có kinh nghiệm từ hồi tổ chức thi Tốt nghiệp THPT 2020.

“TP.HCM phải phòng thủ nhiều lớp trước nguy cơ cao. Thậm chí cần làm việc với các địa phương đang có dịch để kiểm soát tốt hơn. Người dân phải nâng cao trách nhiệm khai báo y tế đối với bản thân, người xung quanh”, ông Đức nói.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đề nghị ngành y tế chuẩn bị nhiều kịch bản, không để bị động.

Chốt lại buổi họp, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan khẳng định lại: “TP.HCM chưa có dịch lây lan trong cộng đồng nhưng có nguy cơ cao xâm nhập mầm bệnh từ bên ngoài. Đặc biệt là thời điểm cận Tết, địa phương là trung tâm, đầu mối giao thương mua bán, đi lại từ khắp nơi”.

Các cấp các ngành phải vừa chống dịch, vừa phục vụ sản xuất kinh tế và đời sống văn hoá cho người dân với tiêu chí “an toàn là trên hết” để có cuộc sống tốt hơn. Những giải pháp đang làm và sắp làm đều bám sát nguyên tắc 5K của bộ Y tế đưa ra.

Bên cạnh đề nghị sở Lao động – Thương binh & Xã hội có kiểm soát chặt chẽ hơn với công tác xuất nhập cảnh cho người lao động nước ngoài, ông Hoan cũng nhắc nhở ngành y tế chuẩn bị kịch bản xét nghiệm diện rộng, chuẩn bị lực lượng cán bộ và vật tư y tế để phản ứng nhanh nhóng, kịp thời, không để bị động.

Ngành du lịch lại lao đao

Báo cáo tại buổi họp, Giám đốc sở Du lịch TP.HCM Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, công tác rà soát khách lưu trú đã đi hoặc đến từ vùng có dịch đang khẩn trương, nghiêm túc.

Theo đó, đã ghi nhận 193 người từ TP.HCM đi các vùng có dịch và trở về. Hôm nay (2/2) có thêm 16 khách lưu trú đến từ vùng dịch, sở Du lịch TP đã lập danh sách gửi các quận, huyện và trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM.

Về cơ sở cách ly có thu phí, sở Du lịch cùng sở Y tế đã thẩm định, đưa thêm 3 khách sạn vào danh sách, nâng tổng số thành 32 khách sạn, công suất 2.500 phòng. Trước đòi hỏi của tình hình, sở Du lịch đã vận động thêm, có 29 khách sạn mới đăng ký để được thẩm định.

Bà Hoa còn chia sẻ: “Các doanh nghiệp lữ hành và hệ thống khách sạn tiếp tục đối diện khó khăn chồng chất do khách huỷ tour, huỷ đặt phòng hàng loạt. Trước nhiều khó khăn của doanh nghiệp, chúng tôi sẽ tổng hợp, gửi UBND TP.HCM và các Bộ, ngành để thảo luận các chính sách như giảm thuế, BHXH, những chi phí điện, nước, viễn thông,… cho doanh nghiệp”.