Bất động sản

TP.HCM: Người dân “khóc ròng” vì mua phải dự án “ma”

Chờ đợi nhiều năm sau khi đặt tiền cọc nhưng không thấy chủ đầu tư giao nền dự án, nhiều người mới phát hiện ra khu đất họ mua không có dự án phân lô nhà phố nào, nên gửi đơn tố cáo lên Công an TP.HCM đề nghị điều tra, làm rõ.

Hàng loạt nạn nhân "dính bẫy"

Ngày 27/3, xác nhận với PV Người Đưa Tin, đại diện Công an TP.HCM cho biết, cơ quan này đang thụ lý đơn và tiến hành điều tra làm rõ việc nhiều người dân tố cáo bị các đối tượng Hà Văn Chương, Hà Đức Trọng, Bùi Thị Kim Phượng... lừa đảo bán dự án bất động sản ảo, chiếm đoạt tài sản xảy ra tại dự án Nhóm nhà phố đường Nguyễn Oanh, phường 15, quận Gò Vấp.

Khu đất ông Chương giới thiệu bán cho nhiều người.

Theo đó, có hàng chục đơn tố giác tội phạm khẩn cấp gửi đến Công an TP.HCM, trình bày việc bị ông Hà Văn Chương, SN 1964, ngụ phường 11, quận Gò Vấp, TP.HCM lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thủ đoạn của Hà Văn Chương là vẽ ra dự án khu nhà phố sau đó bán đất nền chiếm đoạt tài sản.

Để tìm hiểu thêm thông tin, PV đã tìm gặp các nạn nhân nói trên. Thông tin với PV, các nạn nhân dính bẫy cho hay, ban đầu vì nhu cầu mua đất, nhà ở nên khi nghe ông Chương giới thiệu dự án, họ đã đặt cọc số tiền lớn để mua.

Tuy nhiên, thời gian sau, khi tìm hiểu biết được khu đất đó nằm trong quy hoạch của một dự án khác, không phải dự án của ông Chương, những người này biết đã bị lừa.

Sau đó, những người mua đất nhiều lần liên lạc với ông Chương để lấy lại tiền nhưng người này luôn lẩn trốn. Sau nhiều lần, nhiều nạn nhân chỉ còn cách gửi đơn tố cáo lên cơ quan công an. 

Đơn cử như nạn nhân Phan Văn Tưởng, ngụ phường 24, quận Bình Thạnh, TP.HCM.

Ông Tưởng thông tin, vào năm 2017, thông qua môi giới, ông Tưởng gặp ông Hà Văn Chương, tự xưng là chủ dự án Nhóm nhà phố đường Nguyễn Oanh, phường 15, quận Gò Vấp.

Đơn vị đứng tên dự án được ông Chương giới thiệu là doanh nghiệp tư nhân Hà Oanh, trụ sở tại 222 Nguyễn Văn Lượng, P.10, quận Gò Vấp, TP.HCM.

“Tại trụ sở doanh nghiệp tư nhân Hà Oanh, ông Chương giao cho tôi một bộ giấy tờ photo gồm: Bản vẽ tổng thể mặt bằng dự án, 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên người khác.

Cùng với việc giới thiệu dự án, ông Chương cho người đưa tôi vào khu đất trống bỏ hoang cỏ mọc um tùm (sau này tìm hiểu tôi mới biết đây là khu đất nền biệt thự thuộc Dự án khu biệt thự An Lộc, phường 15, quận Gò Vấp) để giới thiệu đó là đất dự án theo Bản vẽ tổng thể mặt bằng nhà phố đã cung cấp cho tôi.

Tin lời ông Chương, tôi đồng ý ký hợp đồng với bên bán là Hà Văn Trọng (con trai ông Chương) và Hà Văn Chương mua 2 nền nhà liền kề để làm nhà ở với giá 4 tỷ 800 triệu đồng. Đến ngày 3/7/2017, tôi đã thanh toán 3 tỷ 600 triệu đồng”, ông Tưởng thông tin.

Tuy nhiên, chờ đợi mỏi mòn suốt từ tháng 6/2017 tới nay không thấy đất nền dự án đâu, ông Tưởng lên UBND phường 15, quận Gò Vấp thì được biết khu đất này không phải của ông Chương.

Nhiều lần sau đó, ông Tưởng tìm gặp ông Chương nhưng không gặp được, số tiền đã bỏ ra cũng chưa nhận lại được đồng nào.

Cùng hoàn cảnh như ông Tưởng, bà Nguyễn Vĩnh Thùy Linh, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM cho biết, thông qua người môi giới, bà Linh đến gặp vợ chồng ông Chương, bà Phượng tại khách sạn Hà Oanh, số 222 Nguyễn Văn Lượng, phường 17, quận Gò Vấp để mua đất.

Sau khi nghe ông Chương, bà Phượng giới thiệu có dự án phân lô tách thửa nằm tại đường Nguyễn Oanh, quận Gò Vấp.

Những thửa đất này thuộc quyền sử dụng hợp pháp của vợ chồng ông Chương và đã được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất vào ngày 11/11/2015, đến ngày 29/7/2016 lập bản vẽ quy hoạch tổng thể mặt bằng tại đường Nguyễn Oanh, được nhà nước phê duyệt.

Tin lời vợ chồng ông Chương, bà Linh đã đặt cọc 1 tỷ 500 triệu đồng (75% giá trị lô đất) để mua một lô và được bà Phạm Thị Nhiễu, kế toán của ông Chương ký nhận, biên nhận ghi DNTN Hà Oanh.

Sau đó, vợ chồng ông Chương hẹn khoảng 3 đến 6 tháng sẽ hoàn tất thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất riêng cho từng nền, đồng thời sẽ ra văn phòng công chứng ký kết hợp đồng chuyển nhượng.

Tuy nhiên, suốt 3 năm sau khi đặt tiền đặt cọc, bà Linh nhiều lần gặp vợ chồng ông Chương, bà Phượng yêu cầu hoàn thành thủ tục như đã hứa nhưng vợ chồng này không thực hiện.

Đến khi tìm hiểu kỹ, bà Linh mới biết thửa đất trên là khu dự án biệt thự An Lộc. Khu đất này chưa được phê duyệt quy hoạch 1/500, không thuộc dự án phân lô, tách thửa như vợ chồng ông Chương nói.

Nhiều nạn nhân ngao ngán chỉ vào khu đất "ảo" mà mình bị lừa mua phải.

Chị Bình, một nạn nhân khác cho hay, khi chị và chồng hỏi mua đất nền thì được một người mua trước đưa đến trụ sở của doanh nghiệp rất hoành tráng để thương thảo, có phòng trưng bày mô hình dự án và được thủ quỹ doanh nghiệp mời ký phiếu thu chi rất bài bản.

“Chính vì tin vào vẻ hào nhoáng mà tôi đặt mua nền để làm nhà ở. Nay đất không có, nhà cũ tôi đã bán. Hai vợ chồng bao lần cãi vã, đau khổ cũng vì việc này”, chị Bình nói.

Được biết, nạn nhân dính bẫy không chỉ riêng ông Tưởng, bà Linh mà có đến hàng chục người khác cũng sập bẫy tương tự.

Lấy đất của người khác bán thu lợi bất chính?

Theo các tài liệu, hồ sơ PV thu thập được, bản vẽ mặt bằng tổng thể dự án (không có dấu của cơ quan, tổ chức) có tất cả 88 nền đất dự án. Số nền đất này hiện ông Chương đã chuyển nhượng hoặc nhận tiền cọc hết tất cả 88 lô nền theo bản vẽ.

Tổng phần đất theo bản vẽ mà phía bên bán cung cấp cho người dân mua nền nhà, có diện tích trên 8.000m2 gồm 10 lô đất biệt thư được cấp 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ Dự án khu biệt thự An Lộc, phường 15, quận Gò Vấp của những người khác.

Trong đó, không có giấy chứng nhận nào mang tên ông Hà Văn Chương tại thời điểm ký hợp đồng bán nền đất dự án.

Dự án khu biệt thự An Lộc do chủ đầu tư là công ty Đất Xanh thực hiện nền biệt thự diện tích tối thiểu và đã hoàn tất dự án.

Như vậy, không thể có dự án nhỏ 88 nền nhà phố nằm trong dự án lớn khu biệt thự nếu không phải do chính chủ đầu tư là công ty Đất Xanh lập hồ sơ xin điều chỉnh một phần dự án. 

Theo tìm hiểu của PV, ngoài ông Chương ký bán nền dự án ra, còn có ông Trọng, bà Phượng cũng ký hợp đồng bán nền trong dự án này để nhận tiền.

Nhóm những người tham gia vào việc bán dự án đặt trụ sở tại một doanh nghiệp trên đường Nguyễn Văn Lượng, quận Gò Vấp.

Trụ sở DN trong hợp đồng bán đất lại là một khách sạn.

Để xác thực thông tin người dân phản ánh, PV đã tìm đến doanh nghiệp tư nhân Hà Oanh, trụ sở tại 222 Nguyễn Văn Lượng, P.10, quận Gò Vấp, TP.HCM. Thế nhưng, khi PV đến đây, trụ sở doanh nghiệp này lại là một khách sạn có tên DNTN khách sạn Hà Oanh 2.

Tại đây, PV đề nghị đại diện khách sạn muốn gặp ông Hà Văn Chương và những người có trách nhiệm của doanh nghiệp tư nhân Hà Oanh nhưng vị này trả lời không biết. PV đã liên hệ đến số điện thoại của ông Chương mà người dân cung cấp nhưng không thể liên lạc.

Bảo Linh

Pháp luật bảo vệ người dân trong trường hợp này như thế nào?

Trao đổi với PV về vụ việc trên, luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định, bán đất nền dự án là kinh doanh bất động sản theo sự điều chỉnh của Luật Kinh doanh BĐS 2014.

Không phải như tư cách người sử dụng đất chuyển nhượng đất, chủ đầu tư khi rao bán sản phẩm đất nền dự án phân lô phải thực hiện đúng thủ tục dự án được phê duyệt, phải triển khai cơ sở hạ tầng, nghiệm thu… mới được giao dịch.

Pháp luật nghiêm cấm huy động vốn dưới mọi hình thức (đặt chỗ, đặt cọc…) khi không có dự án hoàn chỉnh. Việc cá nhân bán dự án ảo (trong thực tế không có dự án) để chiếm đoạt tiền của người dân là có dấu hiệu phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 BLHS.

Hiện thị trường bất động sản đất nền dự án rất bát nháo, nhiều vụ lừa đảo người mua bằng các dự án ảo như vụ Alibaba đang làm cho bao người lao đao khổ ải, nhiều gia đình tan nát, thậm chí có người phải tự tử vì tiền mất tật mang. Vì vậy cơ quan điều tra cần sớm khởi tố để xử lý hành vi lừa đảo nhằm răn đe chung trong xã hội.

Đồng quan điểm, luật gia Nguyễn Trí Đức (Chi hội trung tâm TVPL TP.HCM – TW hội Luật gia Việt Nam) phân tích, tự vẽ ra tài liệu lô nền dự án nhưng không có trên thực tế nhằm tạo niềm tin để nạn nhân giao tiền mua đất là thủ đoạn gian dối.

Sau khi chiếm đoạt tiền mà không trả lại thì đã rõ dấu hiệu phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan chức năng cần xử lý hình sự để bảo vệ sự công minh của pháp luật.

Ở diễn biến khác, PV đã liên hệ PC02 Công an TP.HCM và được điều tra viên cho hay, vụ việc đang trong thời gian điều tra làm rõ. Hiện PC02 đã tiến hành làm việc với những nạn nhân gửi đơn tố giác tội phạm đến Công an TP.HCM, đồng thời xác minh những người bị tố cáo hiện giờ ở đâu. Bởi có thông tin một số đối tượng đã định cư ở nước ngoài.