Tiêu dùng & Dư luận

TP.HCM: Mở lại bán đồ ăn mang về, khó "3 tại chỗ" vì thuê mặt bằng

Theo đánh giá của ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, quy định khắt khe về hoạt động bán đồ ăn mang về nhằm phòng, chống dịch là cần thiết.

Chiều tối 9/9, ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức họp báo định kỳ nhằm cung cấp thông tin về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn.

Cuộc họp báo diễn ra trong ngày đầu tiên thành phố cho phép các hàng quán, một số dịch vụ mở cửa lại trong khung giờ nhất định bằng hình thức bán mang về.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết: “Công văn 2994 của UBND TP.HCM đã cho phép cửa hàng ăn uống cùng một số loại hình khác hoạt động lại. Tuy nhiên, việc mở cửa lại này có rất nhiều ràng buộc và cần nhiều điều kiện hơn khoảng thời gian trước đây”.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM.

Dịch vụ ăn uống được bán mang về theo văn bản 2994 của UBND TP.HCM hướng đến đối tượng chủ yếu là doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể.

Trong đó, các doanh nghiệp do ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM phụ trách, còn hộ kinh doanh cá thể thuộc sự giám sát của chính quyền quận, huyện.

Bà Phong Lan chỉ ra: “Trên nguyên tắc, các cơ sở này trước đây đã hoạt động, có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm với cả doanh nghiệp lẫn hộ kinh doanh chứ không phải trường hợp mới”.

Bởi lẽ, các trường hợp cấp giấy phép mới cần phải được thẩm định nhưng hiện nay, công tác này đang tạm ngưng trong thời gian TP.HCM giãn cách xã hội.

Các cửa hàng ăn uống đã đầy đủ giấy tờ đăng ký kinh doanh, chứng nhận an toàn thực phẩm cùng các giấy tờ khác sẽ đủ điều kiện hoạt động lại. Tuy nhiên, những cửa hàng này cần thực hiện “3 tại chỗ”.

"Việc thực hiện “3 tại chỗ” là khó khăn đầu tiên bởi đa số hàng quán thuê mặt bằng, khó thực hiện phương án này. Ngoài ra, nhân viên, người lao động cũng cần giấy đi đường do địa phương cấp. Và khi chỉ được mở cửa từ 6h sáng đến 18h hằng ngày sẽ không mang lại nhiều hiệu quả cho các hàng quán", bà Phong Lan đánh giá.

Ngoài ra, người nhận hàng là các shipper, người hoạt động trong công tác vận chuyển chứ người dân chưa thể tự ý đi mua mang về.

“Một mặt, chúng ta cho phép hoạt động lại nhưng ràng buộc nhiều điều kiện để đảm bảo phòng chống dịch nên cần có sự đồng bộ trong chính sách, quy định thời gian tới”, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm cho hay.

Mở cửa buôn bán lại nhưng các hộ kinh doanh phải tuân thủ nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch.

Trong ngày 9/9, ghi nhận của Người Đưa Tin tại các tuyến đường như Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh, Phan Xích Long, quận Phú Nhuận...cho thấy, các chủ quán chưa mặn mà mở quán lại để buôn bán do mới nhận được thông tin. Việc chuẩn bị các nguyên vật liệu để buôn bán gặp khó khăn, giá cả cao.

Theo văn bản 2994, UBND TP.HCM cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống; cơ sở cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, thiết bị dụng cụ học tập (có giấy phép đăng ký hộ kinh doanh) được phép hoạt động từ 6h đến 18h hằng ngày theo hình thức bán hàng mang về.

Các cơ sở kinh doanh hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ”, chỉ tổ chức kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến; người giao hàng là các đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hóa có ứng dụng công nghệ (shipper) phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch.

Các cơ sở nêu trên phải đăng ký kinh doanh với quận, huyện và TP.Thủ Đức để được cấp giấy đi đường theo công văn 2800 ngày 21/8 của UBND TP.HCM.

Điều kiện kèm theo là người lao động đã tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vắc-xin phòng, chống Covid-19 và thực hiện xét nghiệm nhanh âm tính với Covid-19 với tần suất 2 ngày/lần theo mẫu đơn hoặc mẫu gộp 3 người theo hướng dẫn của bộ Y tế.